Xử "trùm" Liên Kết Việt: Vì sao phải mời hơn 6.000 nạn nhân đa cấp đến tòa?

An Linh

(Dân trí) - Vụ xét xử trùm đa cấp Liên Kết Việt có quy mô lớn chưa từng thấy khi 6.000 người bị hại được triệu tập. Tuy nhiên, đây mới chỉ là 1/10 số bị hại mà "trùm" đa cấp gây ra trong 1 năm 8 tháng tồn tại.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 7 đối tượng là lãnh đạo của Công ty Cổ phần Liên Kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) gồm Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT); Lê Văn Tú (Tổng giám đốc); Nguyễn Thị Thủy (Phó TGĐ) cùng 4 nhân viên phát triển thị trường Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đều bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xử

"Đại tá dởm" Lê Xuân Giang, Chủ tịch của Trùm đa cấp phạm pháp Liên Kết Việt

Đáng chú ý, nhiều đối tượng đứng đầu giả danh hoặc tự xưng là cán bộ quân đội, giả danh doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, đeo quân hàm cấp tá và các sản phẩm thực phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe đều được thuyết minh là sản phẩm có liên kết với cơ quan của Bộ Quốc phòng, thử nghiệm ở các bệnh viện trung ương.

Nhờ nhiều mác tự phong và thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, mạng lưới Liên Kết Việt bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015 bị phát hiện, xử lý. Chỉ hơn 1 năm, 8 tháng tồn tại và vươn vòi bạch tuộc khắp nơi, Liên Kết Việt đã kịp thời gây họa, chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng của người tham gia.

Trong hơn 1 năm tồn tại, hoạt động, tổ chức đa cấp này đã kịp thời lôi kéo từ 66.000 đến 68.000 thành viên, người bị hại tại hơn 49 tỉnh, thành phố tham gia.

Mức độ phát triển của Liên Kết Việt cực nhanh khi xây dựng được hơn 34 chi nhanh, 27 đại lý trên cả nước. Nếu không kịp thời ngăn chặn, tổ chức này có thể sẽ càng lớn mạnh, vươn vòi bạch tuộc nhiều nơi hơn và gây họa nhiều gia đình hơn nữa.

Vì sao Liên Kết Việt vươn "vòi bạch tuộc" quá nhanh?

Mặc dù có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp, song đội ngũ của Lê Xuân Giang đã biến tướng hoạt động của mình bằng nhiều thủ đoạn giả mạo, chiêu trò ma mị để lừa đảo rất nhiều người cả tin.

Ban đầu, để lấy niềm tin, Giang cùng đồng bọn làm giả doanh nghiệp của mình là trực thuộc Bộ Quốc phòng, bản thân đeo quân hàm Đại tá (giả) cùng huy động một số cán bộ về hưu đến dự cáo buổi chào cờ, liên hoan, rồi trao phong bì cho họ. Sau đó, nhiều cán bộ này thấy bất thường đã xin nghỉ tại Liên Kết Việt.

Lộng hành hơn, Giang cùng đồng bọn mạo danh các bằng khen, tặng thưởng của cả Thủ tướng, địa phương cho hoạt động của mình, treo khắp các địa lý, chi nhánh để tạo niềm tin cho người tham gia, chủ yếu là người nghèo, ở nhiều địa phương khó khăn.

Đáng chú ý, Liên Kết Việt thực hiện hàng loạt chính sách vượt quy định của Nhà nước, trái phép để thu hút người tham gia, đánh vào lòng tham của nhiều người. Cụ thể, nếu Bộ Công Thương chỉ quy định doanh nghiệp đa cấp chỉ được trả thưởng, khuyến mại kinh doanh đa cấp 40%/tổng doanh thu thì Liên Kết Việt của Giang và đồng bọn áp dụng trả thưởng lên đến 65%, vượt hơn 25% quy định.

Đặc biệt, để "đánh" vào lòng tham của những người say máu đa cấp, Liên Kết Việt khuyến mãi người nộp số tiền hơn 7 triệu đồng để tham gia thành viên sẽ được nhập thưởng hơn 409 triệu đồng trong quá trình hoạt động tại đây. Nếu lôi kéo nhiều người, "món quà" sẽ nhận là ô tô, nhà, chuyến du lịch nước ngoài trị giá hàng tỷ đồng.

Ngoài việc trả thưởng, người đóng tiền cho Liên Kết Việt được hứa hẹn trở thành nhà phân phối cho công ty. Thậm chí, có thể đứng tên phân phối nhiều nhãn hàng, sản phẩm khác nhau của Liên Kết Việt mà không phải theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ đoạn tinh vi, chiêu trò bất chấp luật pháp, cùng sự "say máu" của các đối tượng cầm đầu đường dây đã khiến mạng lưới đa cấp này phát triển tốc độ siêu nhanh và gây tai họa cho nhiều vùng quê, nhiều làng xóm, gia đình.

Năm 2016, Bộ Công an đã phát đi thông tin đề nghị các cá nhân, người đã nộp tiền vào Liên Kết Việt, người bị hại trình báo lên chính quyền địa phương, cơ quan công an.

Với tính chất phức tạp, thủ đoạn bất chấp pháp luật và sự tôn nghiêm, Liên Kết Việt và các đối tượng cầm đầu, có liên quan sẽ bị xử lý đích đáng tương xứng với những gì mà nó gây ra cho xã hội, cho bao gia đình.