Xử lý hơn 8.000 tỷ đồng vi phạm tại Tập đoàn Cao su

(Dân trí) - Kết luận thanh tra tại VRG cho thấy sự buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn để xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án, hậu quả gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.

Xử lý hơn 8.000 tỷ đồng vi phạm tại Tập đoàn Cao su
 Các vi phạm tại VRG thể hiện sự chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý chi phí đầu tư (ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Tại VRG và các đơn vị thành viên của tập đoàn này, TTCP tập trung thanh tra một số nội dung về việc tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011, quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý đầu tư xây dựng và đất đai.

Kết luận Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm tại VRG trong giai đoạn 2006-2011. Cụ thể, Hội đồng thành viên VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và năm 2011 cho VRG và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa đúng quy trình về trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Theo đó, VRG đã tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam 500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu 507,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn còn có khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính 133,1 tỷ đồng, khoản trả nợ lãi vay ngân hàng 120,6 tỷ đồng. Các khoản VRG góp vốn vào 8 công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính năm 2010 là 345,8 tỷ đồng, năm 2011 của 20 công ty cổ phần là 1.491,9 tỷ đồng (tổng cộng là 1.837,7 tỷ đồng).

Theo TTCP, VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với tổng giá trị 3.540,5 tỷ đồng (8 công ty năm 2010 trị giá 557,5 tỷ đồng và 20 công ty năm 2011 trị giá 2.983 tỷ đồng).

Lợi nhuận được chia trên phần vốn nhà nước tăng vượt vốn điều lệ năm 2010 là 543,2 tỷ đồng, năm 2011 là 5.819 tỷ đồng, tổng cộng 6.362,2 tỷ đồng. Mặc dù vậy thì VRG cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng vốn điều lệ.

Tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, mất khả năng trả nợ

Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn, theo Kết luận Thanh tra, Công ty mẹ - VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỷ đồng; CTCP Cao su Phước Hòa vượt 113,3 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại CTCP Cao su Tây Ninh, CTCP Cao su Phước Hòa.

Việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn để xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án, hậu quả gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh nhận chuyển nhượng đất dự án và tính toán, thành chó cho Công ty VKETI.Ltd 20,4 tỷ đồng không đúng quy định và không đầy đủ chứng từ hợp lệ; 4 dự án chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài nhưng đã thực hiện đầu tư 652,3 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của các dự án khác sai quy định; 2 dự án chưa được ký Hợp đồng giao đất nhưng đã đầu tư 147,8 tỷ đồng. Một số công ty thanh toán vượt chi phí sang nhượng đất so với diện tích thực tế được giao, thanh toán tiền tư vấn vượt khối lượng thực hiện gần 2,1 triệu USD. Hầu hết khi ký kết hợp đồng kinh tế, các đơn vị không yêu cầu đối tác phải bảo lãnh việc thực hiện theo quy định.

Theo đánh giá của TTCP, những việc làm nêu trên thể hiện sự chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý chi phí đầu tư, dẫn đến rủi ro trong thanh toán, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.

Đáng lưu ý là việc đầu tư góp vốn thành lập CTCP Cao su Phú Riềng – Kratie để đầu tư trồng mới cao su đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự, kết quả khảo sát không đúng thực tế, dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều, khả năng thiệt hại lên tới 483,3 tỷ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích gần 1,9 triệu USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Thanh tra Chính phủ “vạch ra” hơn 8.000 tỷ đồng vi phạm tại Tập đoàn Cao su 
Thanh tra Chính phủ “vạch ra” hơn 8.000 tỷ đồng vi phạm tại Tập đoàn Cao su (Ảnh: TTXVN)

Hàng loạt vi phạm trong quản lý doanh thu, chi phí, đầu tư ngoài ngành

Về quản lý doanh thu và chi phí, việc quản lý giá mua, bán sản phẩm mủ cao su được VRG căn cứ vào thẩm quyền ban hành cơ chế giá, tuy nhiên cơ chế quản lý giá có một số hạn chế như không quy định các đơn vị phải thành lập Hội đồng định giá tiêu thụ sản phẩm mà chỉ quy định giá sàn, dẫn đến không đảm bảo tính công khai, khách quan khi ký hợp đồng… dễ nảy sinh tiêu cực do cơ chế “xin, cho”…

TTCP còn chỉ ra, VRG hỗ trợ quỹ lương cho công đoàn cao su Việt Nam vượt quy định cho phép hỗ trợ 15,4 tỷ đồng, khoản thù lao, kiêm nhiệm của người đại diện VRG tại các doanh nghiệp không được hưởng là chưa phù hợp quy định, chưa tương xứng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Lợi nhuận của VRG chưa được phân phối đến 31/12/2011 tại 4 công ty cổ phần là 935,7 tỷ đồng.

Việc thanh lý vườn cây cao su, trong đó việc xây dựng giá sàn để bán của các đơn vị trình VRG phê duyệt chưa có cơ sở pháp lý. Tại các đơn vị thành viên thực hiện việc thanh lý vườn cây cao su có một số thiêu sót, vi phạm như bán trực tiếp không qua đấu giá; Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng thực hiện xác định giá trị vườn cây chưa đầy đủ khi thanh lý tại các công ty cổ phần 179,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, VRG và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định và phê duyệt giá trị lợi thế kinh doanh trước khi cổ phần hóa 2 công ty cổ phần Cao su Phước Hòa và Tây Ninh không đúng quy định làm giảm giá trị vốn nhà nước 52,9 tỷ đồng.

Ngoài một loạt sai sót, vi phạm khác, VRG cũng như các đơn vị thành viên đã dầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đạt được là rất thấp, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư dàn trải, thiếu sự tính toán, nghiên cứu kỹ càng từ khâu khảo sát, lập, trình, duyệt dự án; đầu tư vào quá nhiều ngành, nghề lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, dẫn đến khó khăn, thậm chí không quản lý được.

TTCP đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kinh tế với tổng số tiền lên tới 8.366,7 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi về Tài khoản tạm giữ chờ xử lý của TTCP các khoản thuế và chi phí do VRG và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định trị giá gần 43 tỷ đồng. Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý số tiền 2.634,6 tỷ đồng. VRG chủ trì đề xuất giải pháp và xử lý theo thẩm quyền số tiền 5.689,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cũng như tại VRG.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm