"Xoá bỏ vài điều kiện kinh doanh không phải là cải cách kinh tế"
(Dân trí) - "Chúng ta mới chỉ tư duy xoá bỏ rào cản, nhưng tất cả các nước về cơ bản bước sang bước khác, đó là tạo lập môi trường kinh doanh. Cải cách phải để tạo ra giá trị phát triển, chứ không chỉ đơn thuần dỡ bỏ vài ba rào cản, điều kiện kinh doanh".
Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay (19/6) tại Hà Nội.
Cắt vài điều kiện kinh doanh không phải là cải cách
Tham dự tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế đã mổ xẻ câu chuyện cải cách, năng lực và hiệu quả thực tiễn tại Việt Nam. Theo đó, thời gian vừa qua, Việt Nam áp dụng nhiều chính sách cải cách như Nghị định 19, Nghị quyết 35 về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng với đó là quyết tâm loại bỏ các điều kiện kinh doanh (giấy phép con) cản trở doanh nghiệp, thủ tục kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ các điều kiện kinh doanh thì chỉ chặt bỏ các điều kiện, giấy phép của chính các bộ, ngành tự đặt ra. Trong khi đó, cải thiện môi trường kinh doanh phải thực hiện ở mức cao hơn là tạo lập môi trường kinh doanh thực sự tự do, cạnh tranh.
Ông Hiếu cho rằng: Vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay chỉ được hiểu là sự xoá bỏ rào cản, cởi trói. "Trong vòng 3 năm vừa qua, chúng ta có nhiều chủ trương, cam kết từ phía trung ương, đến các bộ ngành. Khi đi tham dự các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, người ta nói cam kết nhà lãnh đạo mức cao nhất là yếu tố giúp cải cách thành công".
"Sau nhiều năm thực hiện, chúng ta nói chúng ta không thành công thì không đúng, bảo không thành công cũng không đúng. Còn bao nhiêu năm mới hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra? Thế giới ghi nhận năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh Việt Nam tăng hạng; thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội có bước nhảy vọt... Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu nói kết quả này đáng ghi nhận nhưng chưa đạt yêu cầu về cải cách", ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu: Chúng ta mới từ tư duy xoá bỏ rào cản, nhưng tất cả các nước về cơ bản bước sang bước khác đó là tạo lập môi trường kinh doanh. Cải cách phải để tạo ra giá trị phát triển, chứ không chỉ đơn thuần dỡ bỏ vài ba rào cản, điều kiện kinh doanh.
Chính quyền điện tử triệt tiêu "lót tay", chi phí "gầm bàn"
"Chúng ta mới tập trung xoá bỏ rào cản, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Một loạt yếu tố thúc đẩy DN rất cần mà chưa có chủ trương rõ nét. Rủi ro pháp lý khiến DN không kinh doanh dài hạn, bền vững", ông Hiếu nói.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết: Tôi được biết, có một đất nước châu Phi có 2 triệu dân nhưng họ có 260.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Còn tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp cần phải cố gắng cao hơn, năm 2016 chúng ta có 110.000 DN, năm 2017 có 127.000 DN.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM, Chính phủ ban ngành ngày càng tích cực trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không lên được. Nguyên nhân có thể được đo đếm là chính sách có tích cực hay chưa, hay chính sách bị chệch hướng hoặc chưa đủ lực hay là doanh nghiệp chưa cố gắng. Cần sớm tìm ra lời giải!
"Tôi tính nhẩm mỗi năm 120.000 doanh nghiệp được thành lập. Vậy, sau 3 năm nữa, nếu duy trì được trong số đó hơn 300.000 doanh nghiệp đã là thành công rồi. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức không nhỏ", ông Thành nói.
Theo ông Thành, đối với vấn đề chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Câu chuyện có thể được chúng ta đưa chính quyền điện tử vào hoạt động. Khi có chính quyền điện tử, mọi khâu được công khai thì có muốn hối lộ, người dân và doanh nghiệp mang phong bì đến cũng không biết phải đưa cho ai!?
Nguyễn Tuyền