Xi măng Sông Gianh và mục tiêu chinh phục thị trường châu lục
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa xi măng Sông Gianh trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam và vươn đến thị trường Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Trung Hậu - Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Miền Trung cho biết.
Đây có thể là tín hiệu lạc quan của ngành xi măng Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng việc xuất khẩu tiếp tục tăng sẽ có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xi măng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong tình trạng nguồn cung xi măng đang thừa rất lớn so với nhu cầu hiện nay, giải pháp xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán tài chính và sản xuất để tiếp tục tồn tại. Mặc dù nhu cầu xi măng nội địa đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (xấp xỉ 10% trong năm 2014) nhưng cũng khó giúp thu hẹp khoảng cách cung-cầu nội địa. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực xuất khẩu xi măng mà không mang lại giá trị bền vững thực sự.
Như vậy, theo ông xu hướng của ngành xi măng Việt Nam trong năm 2015 là gì?
Nhu cầu xi măng sẽ tiếp tục tăng trưởng do có sự ảnh hưởng từ tín hiệu lạc quan từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách hỗ trợ của chính phủ và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng.
Cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt với sự tham gia của nhiều đối thủ được khối tư nhân đầu tư với chiến lược kinh doanh linh hoạt và hệ thống quản trị định hướng chuyên nghiệp.
Việc tái cấu trúc vận tải do chính sách siết chặt trọng tải và giá xăng dầu thế giới trên đà giảm từ 2014 sẽ diễn ra trên phạm vi rộng làm cho việc cạnh tranh càng diễn ra gay gắt.
Theo tôi được biết, xi măng Sông Gianh đã có một năm thành công dù thị trường xi măng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Xi măng Sông Gianh có “bí quyết” gì để đạt được thành tích như vậy?
Kết quả kinh doanh hiện tại đạt được không chỉ nhờ chính sách thị trường trong một năm mà là nhờ vào chiến lược kinh doanh dài hạn được hoạch định kỹ lưỡng từ trước. Bài học thành công cho thương hiệu xi măng Sông Gianh trong thời gian vừa qua là xây dựng hệ thống kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm, năng lực cung ứng kịp thời cho khách hàng và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, chu đáo.
Không phải công ty nào áp dụng Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP cũng có thể thành công. Trong quá trình triển khai hệ thống ERP, công ty đã vượt qua những thách thức nào?
Một trong những khó khăn mà Tổng Công ty Miền Trung cần vượt qua là quản trị sự thay đổi. Tổng Công ty Miền Trung đã từng hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhà nước nên mô hình quản trị mới có sự khác biệt. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng là một thách thức cho dự án. Việc áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới đòi hỏi năng lực thích nghi và ứng dụng của các cá nhân trong doanh nghiệp. Tình hình thị trường khó khăn cũng như yêu cầu thiết lập một hệ thống lớn như ERP trong khi vẫn phải đảm bảo doanh số kinh doanh làm gia tăng áp lực lên toàn bộ hệ thống.
Tầm nhìn của Xi măng Sông Gianh là trở thành thương hiệu xi măng hàng đầu Miền Trung và quốc gia. Để hiện thức hóa điều này, thương hiệu xi măng Sông Gianh đang được xây dựng trên nền tảng tinh thần dẫn đầu. Để có được điều này, Tổng Công ty Miền Trung hướng tới xây dựng tính chuyên nghiệp và trở thành đối tác gần gũi nhất với khách hàng. Việc xây dựng hệ thống ERP cùng với hệ thống quản trị khách hàng sẽ giúp Xi măng Sông Gianh đạt được mục tiêu này.