1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Xét lại” 11.800 tỷ đồng PetroVietnam cấp vốn cho PVEP

(Dân trí) - UB Tài chính - Ngân sách “gật đầu” với phương án để lại 3.500 tỷ đồng tiền lãi cho PetroVietnam “rót” vào 2 dự án của Công ty dầu khí biển Đông nhưng không duyệt khoản hơn 11.800 tỷ đồng cấp vốn điều lệ cho Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).

“Xét lại” 11.800 tỷ đồng PetroVietnam cấp vốn cho PVEP - 1
Nhiều đại biểu cho rằng PetroVietnam cấp vốn điều lệ cho PVEP là “chưa hợp lý” (ảnh minh họa)
 
UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định, việc đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PetroVietnam) là đúng đắn, cần thiết. Hàng năm tập đoàn vẫn được để lại 50% lợi nhuận của nước chủ nhà. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khoản lãi để lại này không thuần túy chỉ là lợi nhuận của doanh nghiệp mà là nguồn thu của nhà nước.
 
Thực tế những năm qua cho thấy, việc trích lập đầu tư trở lại cho Tập đoàn còn phụ thuộc ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước. Có năm trích vượt dự toán được duyệt như 2006 vượt hơn 4.800 tỷ đồng, 2007 vượt gân 1.200 tỷ đồng, 2008 hơn 400 tỷ đồng.
 
Số vốn vượt dự toán chi này chưa được báo cáo Ủy ban Thường vụ QH như quy định. Những năm gần đây, số tiền để lại cho tập đoàn lại căn cứ trên khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
 
Việc quản lý, đầu tư của tập đoàn với số tiền để lại đến nay UB Tài chính - Ngân sách cho là khó đánh giá hiệu quả trên phần vốn ngân sách. Cơ quan thẩm tra cảnh báo cần cẩn trọng hơn đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài. Dù hiện tại chưa phát hiện sai phạm, thất thoát, lãng phí lớn trong quản lý đầu tư của PetroVietnam nhưng vẫn cần chú ý hơn đến hiệu quả của việc đầu tư, tránh tình trạng dàn trải, không tập trung vốn cho các công trình trọng điểm.
 
Về khoản vốn điều lệ cấp cho Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) 11.847 tỷ đồng, kiểm toán nhà nước khẳng định việc cấp vốn như vậy không phù hợp quy định. Giải trình với Kiểm toán nhà nước, PetroVietnam cho rằng, PVEP là công ty chuyên thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực dầu khí. Do vậy việc cấp vốn này đúng tinh thần đầu tư để phát triển ngành công nghiệp này.
 
Tuy nhiên, UB Tài chính - Ngân sách “bác” lý lẽ này, khẳng định, việc để lại cho tập đoàn một phần lãi của nước chủ nhà thu được từ hoạt động kinh doanh của Xí nghiệp Liên doanh VietsovPetro là để đầu tư vào các dự án trọng điểm nhăm phát triển ngành. Do vậy, việc tập đoàn sử dụng số tiền này để cấp vốn điều lệ cho PVEP hơn 11.800 tỷ đồng là chưa thật hợp lý, cần giải trình cụ thể hơn.
 
Các thành viên trong cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị làm rõ việc hạch toán sai trong đầu tư mua sắm tài sản thành chi phí sản xuất của tập đoàn Dầu khí. Việc hạch toán sai này đã phản ánh không đúng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách.
 
Cuối tháng 1/2011, PetroVietnam đã báo cáo dự kiến xin 3.500 tỷ đồng “rót” vào Dự án phát triển Lô 05.2 và 05.3 của Công ty dầu khí biển Đông. UB Tài chính - Ngân sách đồng ý với phương án như Chính phủ trình và đề nghị tập đoàn tập trung bám sát chỉ đạo theo Nghị quyết của Quốc hội.
 
Về cơ chế đầu tư trở lại cho tập đoàn, một số thành viên UB cho rằng nên thay đổi, không đầu tư trở lại như hiện nay mà coi khoản chia lãi cho nước chủ nhà là nguồn thu ngân sách và sẽ đầu tư cho các dự án trọng điểm của ngành dầu khí như với các dự án xây dựng cơ bản.
 
Một số ý kiến khác lại đề nghị tăng thêm số tiền để lại vì cho rằng thời gian qua, việc này đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biển đảo của tổ quốc.
 
UB đã đề nghị Quốc hội chấp thuận phương án phân bổ 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho tập đoàn năm nay. Trước khi bế mạc kỳ họp cuối cùng của khóa XII này, QH sẽ biểu quyết về việc này.
 
Việc để lại một phần lãi đầu tư cho PetroVietnam đã thực hiện từ 2006 đến nay. Số tiền để lại qua các năm: 2006 là 1.700 tỷ đồng, 2007: 9.400 tỷ đồng, 2008: 8.900 tỷ đồng, 2009: 4.900 tỷ đồng, 2010: 3.500 tỷ đồng và 2011 dự tính 3.500 tỷ đồng. Tổng số vốn để lại đến hết 2010 là hơn 1.600 triệu USD và gần 6.700 tỷ đồng, tương đương 35.500 tỷ đồng.
 
Tổng nhu cầu đầu tư và sản xuất kinh doanh năm 2011 của tập đoàn dự kiến trên 105.000 tỷ đồng. Tiền lãi nước chủ nhà thu được khoảng 10.400 tỷ đồng. Số tiền 3.500 tỷ đồng dự kiến được để lại cho năm nay chiếm khoảng 33%.
 
P. Thảo