Xây dựng hệ sinh thái - Xu thế của ngành ngân hàng bán lẻ Việt Nam
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, xây dựng hệ sinh thái là xu hướng của các ngân hàng trong thời gian tới, nhưng cần xác định rõ những định vị và hệ sinh thái nào sẽ phù hợp với tệp khách hàng hướng tới.
Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam năm 2021 tổ chức ngày 25/3 tại TPHCM, nhiều ý kiến, khuyến nghị được bàn luận sôi nổi xoay quanh chủ đề "Hoạt động ngân hàng bán lẻ 'bình thường mới' - Thích ứng, nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số". Trong đó, các chuyên gia nhận định dư địa thanh toán không tiền mặt đang rất tiềm năng tại Việt Nam, kéo theo sự cạnh tranh tăng cao giữa ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính khi ứng dụng công nghệ trong thanh toán.
Chính sách công thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Theo bà Vũ Phương Nga, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, sự phát triển của thanh toán không tiền mặt được tạo đà nhờ những hỗ trợ rõ rệt về mặt thị trường và các chính sách của Chính phủ, đơn cử như Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
"Điều này dẫn đến sự thay đổi rất lớn trong hành vi thanh toán không tiền mặt của người tiêu dùng, qua đó tạo chất xúc tác tốt đối với thị trường nói chung và ví điện tử Moca nói riêng", bà Nga nhận định.
Theo bà Nga, người dùng đã tận dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để mua sắm hàng hóa một cách an toàn trong mùa dịch. Hơn hết, chính các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã bắt đầu chuyển sang các hình thức thanh toán trực tuyến. Đây là lời giải thích cho sự gia tăng vượt bậc về số lượng giao dịch không tiền mặt qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. Theo đó, số người dùng mới sử dụng ví điện tử tăng, cũng như tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của các đối tác cửa hàng cũng tăng trưởng không ngừng.
Phản ánh rõ hơn những bước tiến của ngành ngân hàng nói chung từ trong đại dịch, nhiều ngân hàng cho biết đã đạt được lợi nhuận ấn tượng, thậm chí trong 9 tháng đầu năm 2021 đã đạt được 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm. Bên cạnh hoàn thiện quy định pháp lý theo hướng tinh giảm thủ tục ngân hàng; thúc đẩy phát triển tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; gia tăng hợp tác, kết nối giữa ngân hàng với dịch vụ thanh toán tạo thành hệ sinh thái tài chính, các diễn giả nhấn mạnh, hoạt động thay đổi theo hướng tối ưu hạ tầng công nghệ là hướng đi tiếp theo cho ngành ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Lời giải từ hệ sinh thái
Với việc áp dụng công nghệ, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ giữa các ngân hàng với nhau, mà còn giữa các ngân hàng với các công ty tài chính, fintech và bigtech, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán và cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng. Theo các chuyên gia, xây dựng hệ sinh thái là xu hướng mang tính sống còn với các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, xây dựng hệ sinh thái không định hướng sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Vietnam chia sẻ: "Trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, tiềm năng thanh toán online đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Do đó, để đạt được mục tiêu hòa nhập, các ngân hàng cần xác định rõ những định vị và hệ sinh thái nào sẽ phù hợp với tệp khách hàng mình hướng tới. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có lựa chọn một cách sáng suốt để đưa vào những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng đầy đủ nhu cầu trên hành trình trải nghiệm người dùng".
Đồng tình với ông Minh, bà Vũ Phương Nga nhận định hệ sinh thái là yếu tố quan trọng để các công ty fintech như ví điện tử Moca tạo được lợi thế cạnh tranh: "Chúng tôi tin rằng một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng sẽ là cách tốt nhất để giữ chân người dùng, đặc biệt là trong trạng thái bình thường mới. Trong những năm qua, hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác đã được xây dựng đủ tốt. Bên cạnh đó, hệ sinh thái Moca cũng đang được hoàn thiện với mạng lưới đối tác là các đơn vị ngân hàng lớn trong cả nước".
Năm 2021, Moca đã đạt được mức tăng trưởng ổn định cả về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên ứng dụng Grab lẫn số lượng người dùng mới. Trong đó, GrabFood và GrabMart - hai dịch vụ giúp người dân mua thực phẩm, đi chợ, mua nhu yếu phẩm trong giai đoạn dịch, có tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cao nhất. Các dịch vụ ngoài hệ sinh thái Grab như thanh toán hóa đơn, thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử… cũng tăng trưởng ổn định.
Kiến nghị cho sự phát triển của ngân hàng bán lẻ Việt Nam
Đứng ở góc độ ngân hàng, bà Bùi Thúy Hằng, Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay ngân hàng nhà nước cũng đang triển khai và phối hợp với các tổ chức tín dụng khác để nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý đối với việc cho vay qua phương thức điện tử.
Bà Hằng cho biết thêm: "Về phương án đề xuất, tôi nghĩ rằng việc hoàn thiện các phương thức cho vay thông qua các phương tiện điện tử là hướng đi mới. Đây cũng là kênh có cơ sở pháp lý để các ngân hàng có thể triển khai các hoạt động ngân hàng bán lẻ, cụ thể là ứng dụng về công nghệ thông tin trong việc thực hiện các hoạt động này".
Bên cạnh đó, Moca đã thể hiện kiến nghị của mình về định hướng người tiêu dùng thanh toán dịch vụ công bằng hình thức không dùng tiền mặt. "Từ trước đến nay chúng ta đã làm rất tốt trong các dịch vụ như thuế, hải quan, điện nước... Tuy nhiên với y tế, giáo dục, chúng tôi mong muốn các cơ quan liên ngành, cùng với ngân hàng nhà nước và các khâu thanh toán cùng nhau khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn hình thức không dùng tiền mặt", bà Nga nhấn mạnh.