Xây đặc khu: Không được để công ty nước ngoài xây "lãnh địa riêng"

(Dân trí) - Đây là góp ý cụ thể của TS. Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển về cơ chế xây dựng Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Đặc khu kinh tế) tại Hội thảo Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt diễn ra sáng nay (20/9).

Ông Giao cho rằng, nhìn lại cơ cấu chính quyền địa phương, đặc khu trực thuộc tỉnh và cấp tương đương huyện trực thuộc tỉnh. "Tại sao chúng ta lấy mô hình cấp huyện, nếu hội đồng nhân dân của tỉnh có giám sát đặc khu thì rất khó bởi ngay giám sát cấp tỉnh còn khó chứ chưa nói đến đặc khu vốn được nhiều ưu đãi", ông Giao nói.

TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.
TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

Hơn nữa, ba đặc khu này được giao đất cho nhà đầu tư trong vòng 70 - 99 năm, toàn ở những nơi có địa thế nhạy cảm. Như vậy rất nhạy cảm về an ninh, chính trị và môi tường. Ông Giao kiến nghị phải đưa đặc khu trực thuộc trung ương để hạn chế việc tỉnh nào cũng đòi xây đặc khu, tỉnh nào cũng đòi ưu đãi như xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian trước đây.

"Làm sao để cơ chế giao đất không trở thành động cơ để doanh nghiệp tạo lãnh địa riêng, lãnh thổ của ngoại bang. Nếu cho họ xây dựng tường rào thì chúng ta có vào được để kiểm tra hay không? Tôi nghĩ, việc quy hoạch, tính nghiêm minh về pháp luật cần làm rõ, công khai minh bạch", TS Giao nói.

Ông Giao nhấn mạnh: "Vùng nào là rừng quốc gia, vùng nào làm hạ tầng. Ngay cả chống nhóm lợi ích cũng phải được đặt lên khi giao quá nhiều quyền cho nhà đầu tư. Quy định làm hạ tầng, chỗ nào làm theo hình thức BT, BOT, chỗ nào làm bằng tiền ngân sách cũng phải làm rõ vì chúng ta đã có hệ luỵ hiện nay rồi".

Vị Luật sư nói thêm: "Với quyền hạn lớn của Trưởng đặc khu về mọi chuyện thì việc giám sát, kiểm soát quyền lực của ông này ở cấp tỉnh là như thế nào? Chúng ta có Hội đồng nhân dân (HĐND) nhưng hiện nay rất hình thức vì người trong uỷ ban cấp tỉnh có "chân" trong Hội đồng. Nếu sử dụng HĐND để kiểm soát thì liệu chúng ta có quyết tâm đột phá bỏ người có chức quyền ra khỏi Hội đồng để thể hiện sự minh bạch, công tâm hay không?"

Về Hội đồng giám sát tư vấn, ông Giao cho rằng, phải quy định rõ chứ không thể tin họ tư vấn gì, giám sát gì. "Tôi không tin năng lực của Hội đồng giám sát, liệu rằng có bị lợi ích nhóm tác động, ai kiểm soát hiệu quả của Hội đồng này. Hội đồng này cần thiết nhưng chỉ là thiết chế hành chính nằm bên cạnh chứ chưa có sức mạnh để giám sát", TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Ông Giao khẳng định: Câu chuyện kiểm soát quyền lực, tôi đề nghị đặc khu phải có HĐND nhưng tổ chức theo cách khác. Trưởng đặc khu, UBND không nằm trong HĐND. Trưởng đặc khu bầu trực tiếp như vậy thì có cho người dân giám sát hay không? Thanh tra và kiểm soát có trực thuộc HĐND ở đó hay không để giám sát tốt hơn hay không?

Nguyễn Tuyền