Xăng dầu thời kỳ “đặc biệt", DN bán lẻ nghi đầu mối găm hàng, chờ tăng giá
(Dân trí) - Xăng dầu vừa trải qua thời kỳ biến động chưa từng có vì Covid-19. Đến nay, thị trường bắt đầu ổn định, xăng dầu nhấp nhổm tăng giá, nhiều DN bán lẻ lại phản ánh khó khăn trong nhập hàng.
Doanh nghiệp bán lẻ than khó nhập xăng dầu, chiết khấu vô cùng thấp
Phản ánh tới Dân trí, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ đang rất khó khăn trong việc nhập hàng về bán. Xăng dầu chỉ cho nhập số lượng nhỏ giọt, một xe chia cho mấy cửa hàng, chiết khấu thấp, thậm chí lỗ nếu trừ đi chi phí vận tải nhân công… đó là chia sẻ từ doanh nghiệp.
Một chủ cửa hàng xăng dầu ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho biết, tình cảnh này bắt đầu từ sau đợt tăng giá tại kỳ điều chỉnh hôm 13/5.
“Chúng tôi phải đăng ký trước mấy ngày mới có hàng. Số lượng cho nhập cũng rất ít. Chiết khấu họ cắt vô cùng thấp, chỉ 50 - 70 đồng/lít, trừ đi chi phí vận tải, chi phí nhân công thì đúng là lỗ", vị này ngậm ngùi chia sẻ.
Một thương nhân phân phối xăng dầu cũng cho biết, hiện doanh nghiệp này đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu rất thấp, sau khi trừ đi chi phí thì lỗ.
“Thậm chí chúng tôi chấp nhận chiết khấu thấp nhưng việc nhập hàng vẫn cứ khó khăn. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ tình trạng này. Liệu có phải các đầu mối chộp giật, găm hàng chờ lúc giá bán tăng hay không. Hay vì lý do gì?", vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, trước kia khi thị trường bình ổn, chiết khấu xăng dầu ở mức 1.000 đồng/lít, sau khi trừ đi mọi chi phí thì lợi nhuận vào khoảng 100-200 đồng/lít. Còn với mức chiết khấu bằng 0 hoặc âm như hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ, phân phối rất khó khăn trong việc duy trì, có thể rơi vào tình trạng buộc phải đóng cửa.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Bộ cũng đã nắm được thông tin nêu trên. Qua rà soát, hầu hết các đầu mối đều đáp ứng đủ cho hệ thống của họ. Tuy nhiên chỉ có một vài trường hợp cung cấp nhỏ giọt và giảm chiết khấu rất thấp. Về vấn đề này, Vụ thị trường trong nước đã vào cuộc, can thiệp để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Vị này cũng nhấn mạnh hiện nay nguồn cung tổng thể vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hôm 22/5 vừa qua, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Trước phản ánh của doanh nghiệp bán lẻ, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng cho biết đã đề nghị Tổng cục quản lý thị trường chỉ đạo Cục quản lý thị trường địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình”, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đầu mối nói gì?
Hiện Việt Nam có khoảng 37 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - một trong doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn khẳng định không có chuyện doanh nghiệp “găm hàng” để chờ giá xăng dầu lên rồi bán.
“Chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc các hợp đồng đã ký với các đại lý, tổng đại lý", ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL cho biết.
Lý giải về phản ánh của các đại lý bán lẻ xăng dầu, lãnh đạo PVOIL cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng mua bán với một đầu mối nhằm đảm bảo vấn đề chất lượng. Tuy nhiên thực tế vừa qua vẫn có tình trạng rất phổ biến là các đại lý cùng một lúc lấy hàng của nhiều đầu mối khác nhau.
“Một đại lý đáng nhẽ bán được 1.000 khối, nhưng lại ký hợp đồng với PV Oil chỉ lấy 60-70%, còn lại lấy của các đầu mối khác. Trong bối cảnh xăng dầu đang lên giá, đại lý không mua được hàng từ các đầu mối này và quay sang tăng mua của PVOIL thì chúng tôi không thể nào đáp ứng được đủ số lượng để “bù" cho các đầu mối khác được", ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, đây là thời điểm khá đặc biệt đối với thị trường xăng dầu. Vừa qua, xăng dầu giảm liên tiếp nhiều phiên trước tác động của Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng. Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng liên tiếp. Do vậy, một số doanh nghiệp đã tranh thủ tăng cường tích trữ, giảm mạnh chiết khấu, tăng tồn kho, đợi đợt tăng giá mới trong nước sẽ “bung” ra để bán. Tuy nhiên, lãnh đạo PVOIL khẳng định với tư cách là một thương hiệu lớn vẫn cố gắng đáp ứng một cách tối đa nhu cầu của đại lý.
Đề cập đến tình hình xăng dầu hiện nay, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay, do diễn biến dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm, đặc biệt sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh.
Đồng thời các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế đều đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu sản phẩm bị sụt giảm.
Trước tình hình nêu trên, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành phố đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Giám sát chặt việc bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi hai nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Bình Sơn yêu cầu tăng công suất, sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp. Có phương án về nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa thời gian tới.
Nguyễn Mạnh