Vì sao Bộ Công Thương không đồng ý dừng nhập khẩu xăng dầu?

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương không đồng ý với đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu là bởi lo ngại điều này có thể ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và khả năng vi phạm cam kết trong các hiệp định thương mại.

Vì sao Bộ Công Thương không đồng ý dừng nhập khẩu xăng dầu? - 1
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 15/5.


Do lượng tồn kho rất cao tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước, hồi đầu tháng 4/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu. Đề xuất này gây nhiều tranh cãi sau đó.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng đã cân nhắc rất kỹ và cũng có bàn bạc, lấy ý kiến các bên liên quan về đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu nêu trên.

Tuy nhiên, theo ông Hải, đề xuất này khó có thể thực hiện được. Cụ thể, ông Hải cho biết, một mặt nếu chúng ta cấm hoặc hạn chế nhập khẩu xăng dầu, tức là trong 33 doanh nghiệp chỉ có một số được phép nhập khẩu. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, toàn bộ các doanh nghiệp dùng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, riêng với xuất nhập khẩu xăng dầu, hiện có 33 doanh nghiệp đầu mối và chính những doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi giá bán lẻ các mặt hàng này trong nước giảm 8 lần kể từ đầu năm và mới chỉ tăng “ở mức vừa phải” từ ngày 13/5.

“Mặt khác, nếu cấm nhập khẩu xăng dầu có nghĩa là cấm các nước khác nhập khẩu vào Việt Nam, điều này có thể vi phạm các quy tắc trong các hiệp định thương mại và các cam kết với các nước. Vậy liệu các nước có sử dụng biện pháp tương tự với các mặt hàng khác của chúng ta sang các đối tác hay không?”, ông Hải đặt vấn đề.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thực tế đề nghị của PVN đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn khi tồn kho xăng, dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tăng đột biến, giá lại giảm sâu.

Mặt khác, việc giá dầu thô tụt dốc đã khiến PVN giảm nguồn thu, có thể mất tới gần 2 tỷ USD doanh thu năm nay, kéo theo nguồn thu của quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Song thực tế theo ông Hải, không riêng ngành dầu khí bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng chịu tác động lớn từ Covid-19.

“Chúng tôi bàn bạc trực tiếp với Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng như báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của nhiều nhóm, trước mắt là của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, tức là người dân, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước là đầu vào”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an ninh năng lượng mà cụ thể là đủ xăng dầu để cung cấp cho thị trường.

“Chính vì vậy, mong các doanh nghiệp, các đối tượng chia sẻ quyền lợi một cách hài hòa, quan trọng nhất là đảm bảo chung tất cả các quyền lợi, kể cả quyền lợi của Nhà nước cũng như quyền lợi của các đối tượng liên quan”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trước đó, PVN đã văn bản gửi Bộ Công Thương, Tài chính đề xuất loạt giải pháp "cứu" sản xuất xăng, dầu trong nước. Theo đó, tập đoàn này đề nghị các Bộ có cơ chế hạn chế tối đa, dừng nhập khẩu sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn hiện nay khi Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ nội địa khó khăn.

Nguyễn Mạnh