Xăng dầu là hàng thiết yếu, sao lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị hai Bộ trưởng Công Thương và Tài chính làm rõ cho cử tri biết vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Xăng dầu là hàng thiết yếu, sao lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? - 1

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng nay "nóng" với vấn đề xăng dầu (Ảnh: Quốc Chính).


Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đặt ra hai vấn đề liên quan tới xăng dầu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng nay (16/3).

Cụ thể, theo đại biểu, cử tri băn khoăn thời gian tới xăng dầu có giảm giá được không. Thứ hai, cử tri cho rằng cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý. 

"Cử tri muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và việc thu thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường ra sao?", đại biểu đề nghị với câu hỏi này thì Bộ trưởng Tài chính cùng chia sẻ làm rõ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá xăng dầu có giảm hay không phụ thuộc vào xu hướng thế giới. Tuy nhiên, lúc giá xăng dầu tăng quá cao thì các bộ sẽ phối hợp tham mưu, điều hành tăng ở mức chấp nhận được.

"Công cụ là quỹ bình ổn. Quỹ bình ổn không còn thì sử dụng thuế phí. Thuế phí không còn thì hỗ trợ, an sinh", Bộ trưởng Diên cho biết. Còn liên quan tới vấn đề thuế, Bộ trưởng Công Thương đề nghị Bộ trưởng Tài chính "chia lửa".

Trả lời các đại biểu trước đó, Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết giá xăng dầu Việt Nam tăng cao nhưng vẫn thấp hơn mức tăng giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ như quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại nhiều kỳ điều hành, ông Diên cho biết Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã trích quỹ bình ổn từ 500 đồng đến 1.500 đồng một lít xăng, dầu. Theo Bộ trưởng, nếu không có quỹ này, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới. Ông cũng khẳng định, trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì quỹ bình ổn rất quan trọng. Tuy nhiên do quỹ này có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi nhiều doanh nghiệp đã âm lớn, khi giá xăng dầu xuống thì sẽ tiếp tục trích lập.

Hiện nay quỹ bình ổn không còn nhiều, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì Bộ trưởng cho biết, giá xăng dầu sẽ giảm.

Thông tin thêm về điều hành giá xăng dầu thời gian tới, ông Diên cho biết trong bối cảnh giá thế giới tăng cao sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Khi sử dụng hết công cụ thuế phí mà giá vẫn cao thì để giữ ổn định vĩ mô, giữ chỉ số CPI, không để đối tượng dễ tổn thương khó khăn thêm, ông Diên cho biết có thể sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.

"Cách làm như thế thôi chứ không còn cách nào khác", ông Diên nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi vì sao xăng dầu là hàng thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu. Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.

Sau ý kiến của ông Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã lưu ý Bộ trưởng Tài chính cần chỉ đạo nghiên cứu thêm để làm rõ vấn đề này.