1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Xăng dầu có lãi là tốt, nhưng không được lãi khủng!"

(Dân trí)- Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa được một số doanh nghiệp công bố cho thấy, kinh doanh xăng dầu được “thụ hưởng” lợi nhuận lớn từ việc giá xăng dầu tăng cao. Dù vậy, doanh nghiệp xăng dầu đã “bỏ qua” thời điểm có thể hạ giá bán cho người tiêu dùng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trước thuế đạt 388,22 tỷ đồng.

Không chỉ có Petrolimex ghi nhận mức lãi từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, hai doanh nghiệp xăng dầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng công bố kết quả kinh doanh lạc quan.

Trong quý II/2013, Công ty Cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC) có lợi nhuận gộp (chủ yếu từ xăng dầu) đạt 22,2 tỷ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ. Còn Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu (COM) có lợi nhuận gộp tăng tới 54%, đạt 45,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu của SFC và COM lần lượt tăng 11% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trước việc dư luận cho rằng Petrolimex (đơn vị chiếm gần 50% thị phần) lãi lớn nhờ kinh doanh xăng dầu giá cao, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng: Lợi nhuận kinh doanh xăng dầu trước thuế tại Việt Nam cũng chỉ đạt 388,22 tỷ đồng, bình quân đạt 94 đồng/lít, kg; tương ứng với khoảng 31% so với lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định và đạt 46,27% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đã thông qua (839 tỷ đồng).

Còn theo ông Lê Tấn Thương, Tổng giám đốc COM thì doanh thu quý II của công ty tăng là do giá bán xăng dầu cao hơn cùng kỳ, như xăng tăng 10%, các loại dầu hỏa, diezel tăng khoảng 6%.

Được biết, COM và SFC là các tổng đại lý, đại lý bán lẻ cho các đầu mối, chiếm thị phần nhỏ trên thị trường. Họ nhập xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối, lợi nhuận mà họ thu được chính là mức chênh lệch giữa giá bán và giá vốn cũng như thù lao từ doanh nghiệp đầu mối.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng: Dư luận nên “bình tĩnh” , không nên định kiến với việc doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh có lãi như hiện nay. Bởi lâu lắm rồi, kết quả kinh doanh do một số doanh nghiệp xăng dầu công bố mới có lãi. Tuy nhiên, mức lãi ví dụ như tại Petrolimex (lãi gần 400 tỷ đồng) chỉ chiếm khoảng 3% so với số 10.000 tỷ đồng tiền vốn. “Điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh xăng dầu không bằng hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân”, TS.Nguyễn Minh Phong so sánh.

Cũng theo TS.Nguyễn Minh Phong, để rộng đường dư luận, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay cần phải công bố kết quả kinh doanh. Vị chuyên gia này nói: “Doanh nghiệp xăng dầu dù trực thuộc Nhà nước, kinh doanh mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh về giá thì vẫn cần có lãi. Nhưng họ không được phép lãi khủng, bởi nếu giờ mà công bố số lãi khủng sẽ lộ ra việc trước đây làm ăn gian dối hoặc là kinh doanh độc quyền mới có lãi lớn đến như vậy”.

Đề cập tới việc xăng dầu đã bỏ qua thời điểm có thể giám giá bán lẻ cho người tiêu dùng, TS.Nguyễn Minh Phong cho hay, ông đã đưa thắc mắc này hỏi cơ quan quản lý Nhà nước và nhận được câu trả lời là: “Điều hành giá xăng dầu vẫn phải theo quy định 30 ngày. Nếu tính theo chu kỳ bình quân 30 ngày, giá bán hiện hành vẫn thấp hơn giá cơ sở nên chưa thể giám giá bán lẻ. Tôi cũng đã hỏi cơ quan quản lý, sao không cho điều chỉnh giá chu kỳ 5 - 10 ngày, họ nói, kinh doanh xăng dầu phải gắn với dự trữ quốc gia 30 ngày mới an toàn”, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
 
 
Người tiêu dùng đang phải mua giá xăng ở mức cao hơn thực tế? (ảnh minh họa).
Người tiêu dùng đang phải mua giá xăng ở mức cao hơn thực tế? (ảnh minh họa).
 
Theo bảng tính giá cơ sở của Hiệp hội của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng bán lẻ trong nước so với giá cơ sở đang có mức giảm thấp dần. Tính đến ngày 16/8, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex so với giá cơ sở chỉ còn 20 đồng/lít, tức xăng A92 hiện chỉ còn lỗ có 20 đồng/lít. Tương tự, các mặt hàng dầu diezel và dầu hỏa lỗ từ 681 đồng đến 1.046 đồng/lít.

Tuy nhiên, hiện xăng A92 được sử dụng Quỹ bình ổn giá mức 100 đồng/lít nên mặt hàng này đang có lãi 80 đồng/lít. Còn các mặt hàng dầu được sử dụng Quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít nên mức lỗ được rút ngắn về mức gần 400 đồng/lít - hơn 700 đồng/lít. Dù kêu lỗ nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lại đang đẩy mức chiết khấu lên rất cao cho các đại lý. Thông tin từ một số đại lý phân phối cho biết, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nâng mức chiết khấu, hoa hồng lên 400 đồng - 500 đồng/lít; thậm chí có nơi còn trích đến 800 đồng - 900 đồng/lít.

Nhìn vào sơ đồ điều chỉnh giá thời gian qua có thể thấy, xăng dầu đã có nhiều đợt tăng giá bán lẻ trong quý II năm nay. Tính riêng từ ngày 14/6 đến 17/7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đã tăng 3 lần, đẩy giá xăng vượt mức 24.500 đồng/lít. Theo bảng giá của Petrolimex ngày 20/8, xăng A95 có giá bán 25.070 đồng/lít và xăng A92 có giá 24.570 đồng/lít (đối với khu vực dân cư vùng 1).

An Hạ