WTO, TPP… quá phức tạp với 25 triệu nông dân!
(Dân trí) - “Người nông dân đang cố gắng hội nhập nhưng những vấn đề WTO, FTA, AEC, TPP quá là phức tạp! Người nông dân mới chỉ biết tiểu thương, mua cái gì, giá là bao nhiêu và cũng không cần biết hàng hóa đó đi đâu, bán cho ai và giá cả như thế nào” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Sáng 20/11, thảo luận tại Hội trường về việc phê chuẩn nghị định thư, sửa đổi Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, việc tham gia WTO từ năm 2007 đã tạo ra những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia. Xuất khẩu tăng nhanh, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 so với năm 2007 đã tăng gấp 3 lần. Qua đó đưa Việt Nam đứng thứ 34 về kim ngạch xuất khẩu thế giới, mặc dù GDP bình quân đầu người đứng hàng 132.
Tuy nhiên, ông Ngân cũng chỉ ra rằng, quá trình hội nhập đã bộc lộ một số tồn tại nhất định: phân hóa giàu, nghèo, tác động tổn thương đến các nhóm yếu thế.
“Hội nhập đã mở ra một không gian cơ hội rất lớn nhưng thử thách là không nhỏ. Đặc biệt là hộ nông dân, hộ chăn nuôi là khu vực dễ bị tổn thương nhất” – ông Ngân nhận xét.
Vị đại biểu cũng cho rằng, trong những ngày qua, Quốc hội đã bàn luận rất nhiều về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quyết định tăng lương cho cán bộ viên chức...Thế nhưng lực lượng nông dân với 25 triệu lao động đang làm trên lĩnh vực nông nghiệp lại phải đang chờ đợi những chính sách trực tiếp và cụ thể của Chính phủ. Đây là lĩnh vực đang bị tổn thương và chắc chắn sẽ bị tổn thương khi hội nhập sâu rộng.
“Người nông dân hiện nay đang có nhiều cố gắng hội nhập nhưng những vấn đề WTO, FTA, AEC, TPP quá là phức tạp! Người nông dân mới chỉ biết tiểu thương, mua cái gì, giá là bao nhiêu và cũng không cần biết hàng hóa đó đi đâu, bán cho ai và giá cả như thế nào” – đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Vì vậy, để giúp người nông dân đứng vững trong xu thế hội nhập bên cạnh việc tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, ông Ngân đề nghị, cần phải có một đề án riêng về công tác tuyên truyền cho nông dân, cho lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, một đề án tuyên truyền hết sức đặc thù phải thật đơn giản nhưng có hàm lượng khoa học trí tuệ cao. “Đối với người nông dân là khi tuyên truyền phải hết sức trí tuệ” – vị đại biểu góp ý.
Ông cũng lưu ý đến việc bồi dưỡng nội dung kiến thức về hội nhập cho đội ngũ cán bộ xã, cụ thể là Chủ tịch xã. Đây là người gắn bó với nông dân nhưng nông dân lên hỏi thì Chủ tịch xã không biết, do đó, phải truyền đạt cho đội ngũ cán bộ xã nhiều hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh tới vấn đề thương lái. “Người nông dân cho rằng người thương lái có lúc là ân nhân của họ, nhưng có lúc lại là người gây cho họ sự đau khổ. Có khi người nông dân rất chờ đợi người thương lái xuống để mua hàng hóa của mình trở thành người ân nhân. Nhưng khi họ không mua thì người nông dân rất đau khổ” – ông nói.
Do vậy, ông cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp làm sao phải gắn được với thương lái, xây dựng thương lái trở thành lực lượng chân rết của doanh nghiệp để tuyên truyền và đồng thời gắn với chính sách định hướng.
Bích Diệp