Vào TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu “đau đớn” nhất?
(Dân trí) - Trái ngược với dệt may, da giày sẽ có nhiều lợi thế khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhất và ngành này sẽ gánh chịu tác động đau đớn hơn cả.
Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu tác động lớn khi Việt Nam tham gia TPP bởi đầu vào của ngành này hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh về quy mô không có khi phần đông người chăn nuôi nhỏ lẻ. Thị trường tiêu dùng đã và đang bị nhiều sản phẩm của nước ngoài xâm lấn và chi phối với mức giá cả rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn.
Nói về các lợi ích và thách thức của TPP, TS Thành khẳng định, TPP không phải là bản "giao hưởng toàn màu hồng" khi lợi ích của Việt Nam sẽ đến từ tăng tiêu dùng, gia tăng đầu tư và lợi thế cho các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày và thủy sản.
TPP cũng mang đến sân chơi đầy nghiệt ngã và cạm bẫy cho các ngành, lĩnh vực yếu kém về lợi thế và sức mạnh cạnh tranh như: chăn nuôi, chế biến các sản phẩm gỗ, khai khoáng và công nghiệp.
TS Thành phân tích: TPP không phải là sân chơi toàn thắng (win - win) cho mọi ngành và lĩnh vực. Ngành chăn nuôi không phải là ngành Việt Nam có lợi thế. Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ thì mới tồn tại được. Về cơ sở đánh giá lợi thế so sánh, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn ở quy mô sản xuất nhỏ, lệ thuộc vào nhập khẩu dẫn đến năng suất, cạnh tranh yếu, không thể cạnh tranh được với các nước đi đầu về nông nghiệp hiện đại như Mỹ, Nhật Bản...
Trong khi đó, với mức thuế giảm nhanh, nhu cầu tiêu dùng cao, thu nhập được cải thiện, các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt, sữa sẽ được hưởng lợi và sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh đối với các DN cùng lĩnh vực trong nước.
Ngay từ hiện nay, xu hướng nhập khẩu thịt động vật như trâu, bò Úc, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ… ngày càng gia tăng. Sản phẩm sữa các loại từ các nước trên cũng sẽ tăng cả về khối lượng lẫn giá trị. Theo VEPR hiện dù được áp dụng thuế từ 20-40% nhưng thịt gà, thịt bò của nước ngoài đã vào Việt Nam và chiếm lợi thế lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi Việt sẽ sớm phá sản nếu như tình trạng thịt nước ngoài được xoá bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thế giới.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NNN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam đã tăng so với cùng kỳ năm trước 2 con số. Cụ thể, Việt Nam đã nhập hơn 209.000 con trâu, bò sống từ Úc và Thái Lan, kim ngạch nhập khẩu đạt 195 triệu USD, tăng hơn 62% về lượng và 98,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, cả nước cũng nhập khẩu 2.032 tấn thịt lợn, kim ngạch đạt gần 4 triệu USD, tăng 46,6% về lượng và 60% về giá trị. Nhập khẩu thịt gà cũng tăng đáng kể với hơn 56.900 tấn, giá trị đạt gần 53 triệu USD, lần lượt tăng 55% về lượng và 31% về giá trị. Theo tính toán của Cục này, năm 2015 thịt bò nhập khẩu sẽ đạt khoảng 300 triệu USD, tăng 50 triệu so với năm 2014 (250 triệu USD) với khối lượng nhập khoảng 39.000 tấn, tăng 20–25% so với cùng kỳ.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi: “Trong hội nhập có ngành hưởng lợi thì phải có ngành bất lợi, không thể được tất cả. Chúng ta không thể cạnh tranh với Mỹ được vì nông nghiệp của họ quá hiện đại từ con giống đến khi thu hoạch, quy trình đều chặt chẽ. Kịch bản xấu của chăn nuôi trong TPP đã rõ, phía Bộ NN&PTNN đã có sự chuẩn bị kĩ về chính sách đối phó, giúp chăn nuôi tồn tại: chính sách thành lập hợp tác xã, tăng cường liên kết, xoá bỏ khâu trung gian...", ông Chinh cho biết.
Nói về nguy cơ thất thế của ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập của TPP, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho biết Việt Nam phải biết chấp nhận từ bỏ một số ngành không có lợi thế vì đại cục.
"Từ trước đến nay mình quá tham, cái gì cũng muốn làm, ngành nào cũng đầu tư. Có những ngành đầu tư lớn nhưng kết quả cuối cùng phải dẹp bỏ. Hội nhập cũng đặt ra vấn đề là chọn ngành nào để đầu tư, phát triển và phải biết từ bỏ một số ngành yếu kém", bà Lan nói.
Nguyễn Tuyền