World Cup sẽ “huých” kinh tế Đức thế nào?
(Dân trí) - 12 tỷ USD chi tiêu và hơn 50.000 công ăn việc làm mới - đó là những con số mà người dân Đức trông chờ từ giải cầu lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra ở 12 thành phố nước họ tháng 6 tới. Tuy nhiên, giới làm chính trị, các nhà kinh tế và giới kinh doanh kỳ vọng hơn thế nhiều…
Nhưng liệu, một cú huých thật lực có đẩy kinh tế Đức ra khỏi “cơn ngái ngủ” triền miên suốt mấy thập kỷ qua được không?
Tính đến cuối năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức luôn duy trì ở mức cao 12%. Tăng trưởng kinh tế thì hầu như chẳng bao giờ nhúc nhích. Tệ hơn nữa, trận thua 4-1 bẽ bàng của đội chủ nhà trước tuyển nước Ý trong vòng khởi động đầu tháng 3 dường như đang làm nguội đi không khí hào hứng niềm nở của dân chúng, khiến viễn cảnh chào mời các nhà đầu tư bằng nụ cười thân thiện cũng mong manh thêm đôi chút.
Hy vọng lớn
Dù sao thì hy vọng của Đức cũng không phải là vô căn cứ. Trước thềm World Cup 2002, thực trạng kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không lấy gì làm sôi động cho lắm. 2 nước này cũng đầy lạc quan và mong chờ giải đấu sẽ thổi luồng gió mới tới các lĩnh vực kinh doanh, cũng như nâng cao hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Và họ đã toại nguyện.
Theo ước tính của Hàn Quốc, 1 tháng diễn ra World Cup đã trực tiếp mang về cho họ 4,1 tỷ USD từ giá trị tiêu dùng, bằng 0,74% tổng sản phẩm quốc nội của cả năm 2001. Đấy là chưa kể lợi ích gián tiếp thu được từ việc quảng bá hình ảnh đất nước trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế, ước chừng khoảng 15,1 tỷ USD.
Còn nhà kinh tế Toshihiro Nagahama thuộc viên nghiên cứu Dai-Ichi ở Tokyo thì cho biết: “Doanh thu từ các mặt hàng điện tử như TV và DVD tăng mạnh, các công trình xây dựng sân vận động cũng mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế. Đấy là chưa kể các khoản chi tiêu khổng lồ mà khách nước ngoài tham dự World Cup đóng góp cho ngành du lịch, khách sạn và nhiều ngành khác.”
Đó là lý do để đông đảo công chúng Đức, từ giới chính trị, kinh doanh, nghiên cứu kinh tế, cho đến cả các tầng lớp làm công ăn lương… đều tin tưởng và rất lạc quan về World Cup.
Tính đi tính lại, vẫn “hời”
Ước tính sơ bộ, sẽ có khoảng 50.000 công ăn việc làm mới được tạo ra cho ngành khách sạn, bán lẻ, các địa điểm tổ chức thi đấu… GDP của nước Đức sẽ tăng 0,5% nhờ 1 tháng diễn ra sự kiện này.
Những khoản đầu tư ban đầu mà chính phủ Đức chi vào cơ sở hạ tầng như xây dựng sân vận động, nâng cấp đường sá, bãi đậu xe…, theo nhà kinh tế Marco Bargel của ngân hàng PostBank, sẽ chiếm khoảng 0,5%GDP cả nước.
Tính đến thời điểm này Đức đã chi 4,8 tỷ USD cho giai đoạn chuẩn bị ở 12 thành phố sẽ diễn ra các trận đấu. Với dự tính trung bình mỗi khách du lịch sẽ tiêu 965 – 1.200USD/ người trong thời gian lưu lại đây, thì tổng giá trị tiêu dùng được thực hiện sẽ vào khoảng 12 tỷ USD. Do đó, dù đội tuyển nước chủ nhà không may có thua sớm từ các vòng ngoài thì các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn được hoàn bù đầy đủ, mà rồi sau này dân chúng sẽ được sử dụng lâu dài.
Thu hút đầu tư
Nhằm triệt để khai thác cơ hội lôi kéo các nhà đầu tư từ sự kiện World Cup, chính phủ đã phát động hẳn một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên truyền hình mang tên “Miền Đất Ý Tưởng”, nhấn mạnh hình ảnh một nước Đức đầy tiềm năng về kỹ thuật và công nghệ
Những yếu tố khác như cơ sở hạ tầng tiện ích, mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, hệ thống anh ninh quốc gia bảo đảm… cũng là lợi thế riêng của Đức trong mắt các nhà đầu tư.
Và đặc biệt, có lẽ chỉ một và duy nhất có ở Đức, chiến dịch “Thân thiện và giúp đỡ” - với mục tiêu giúp người dân cởi mở hơn, rạng rỡ hơn thay vì lúc nào cũng cứng nhắc và nghiêm túc - do cầu thủ Franz Beckenbauer và ban tổ chức World Cup thực hiện dưới sự chỉ đạo của chính phủ, là minh chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm của người Đức trong việc nắm bắt thời cơ kinh doanh từ sự kiện trọng đại này.
Và một số ngành khác
World Cup còn là dịp để nước Đức quảng bá hình ảnh như 1 điểm du lịch hấp dẫn. Theo ông Petra Hedorfer, Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Quốc gia, sẽ cần tới khoảng 5,5 triệu phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế.
Các hãng thời trang nổi tiếng trong nước như Puma AG và Adidas-Salomon AG cũng không bỏ lỡ cơ hội. Đây sẽ là dịp có một không hai để họ quảng bá hình ảnh đến đông đảo người tiêu dùng từ nhiều nước khác nhau với chi phí thấp.
Hiệp hội ngành bán lẻ quốc gia cũng mừng quýnh khi nhìn thấy doanh thu có cơ hội tăng trưởng, khoảng 0,5 –1%, sau mấy năm liên tiếp thua lỗ.
Hải Minh
Theo MSNBC