WHO không khuyến nghị đánh thuế lên nước ngọt

(Dân trí) - Trong báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm năm 2018 được công bố tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến nghị các quốc gia đánh thuế lên thực phẩm và đồ uống có đường vì mục đích bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hiệu quả của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt còn nhiều tranh cãi

Theo báo cáo này, các thành viên của WHO có nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của chính sách thuế này trong việc định hướng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe của người dân. Cụ thể là, đã có những ý kiến cho rằng nước ngọt không phải là nguyên nhân duy nhất đối với một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì và ung thư.

Báo cáo của WHO đã liệt kê ra bốn yếu tố là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh này. Đó là thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động. Báo cáo này cũng chỉ ra ô nhiễm không khí cũng được xem là một tác nhân gây ra sự gia tăng của các căn bệnh này. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu khoa học thì việc sử dụng màn hình điện tử thường xuyên, ngủ không đủ thời gian tối thiểu hoặc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa chất béo hay hàm lượng muối cao cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh nói trên.

Trên thế giới có khoảng 40 quốc gia áp thuế đặc biệt đối với nước ngọt với mục tiêu giảm và ngăn ngừa các bệnh tiểu đường và béo phì. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách thuế này chưa được chứng minh ở bất kỳ quốc gia nào. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường ở các quốc gia áp dụng thuế TTĐB trên nước ngọt không những không giảm mà còn tăng đều qua các năm. Ví dụ, tại khu vực châu Á chỉ có 4 quốc gia áp thuế đối với nước ngọt là Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ béo phì ở độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi và độ tuổi từ 18 tuổi trở lên ở các nước này vẫn tăng liên tục trong 16 năm qua.

Đặc biệt, Brunei và Thái Lan là hai quốc gia có tỷ lệ béo phì tăng nhanh và cao nhất trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan tỉ lệ béo phì ở người từ độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng từ 3.1% (năm 2000) lên mức 11.3% (năm 2016). Còn tỷ lệ người béo phì ở Brunei trong độ tuổi từ 5 đến 19 tuổi tăng từ 6.4% (năm 2000) lên mức 14.1% (năm 2016).

Chính vì vậy, một số quốc gia đã từng áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt đã phải bỏ chính sách thuế này. Ví dụ, năm 2004, Chính phủ Indonesia đã quyến định bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt vì chính sách này không đạt được mục tiêu tăng thu thuế, cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng, trong khi đó lại ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành sản xuất nước giải khát.

Đan Mạch là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp thuế TTĐB đối với nước ngọt. Chính sách thuế này được ban hành vào năm 1930. Tuy nhiên, sau 83 năm áp dụng, Đan Mạch đã bãi bỏ thuế TTĐB đối với nước ngọt vào năm 2013, nửa năm sau thất bại của “thuế chất béo”. Một trong những lý do Chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương.

Gần đây, vào tháng 6/2018, các nhà lập pháp California (Mỹ) đã bỏ phiếu cấm ban hành các loại thuế g đánh vào nước ngọt, theo đó sẽ không thông qua bất kỳ loại thuế mới nào đánh vào thực phẩm hoặc đồ uống ít nhất tới năm 2031.

Giải pháp nào là phù hợp?

Thay vì khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, báo cáo của WHO đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể là, chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp cùng phối hợp tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất.

Những quốc gia có tỷ lệ người béo phì và tiểu đường tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore hay Úc, cũng đều không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường mà tập trung vào các chính sách và chương trình giáo dục về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và tăng cường vận động. Tại Singapore, chính phủ đã áp dụng chương trình dán nhãn biểu tượng “Healthier choice - HCS” (tạm dịch là “Sự lựa chọn lành mạnh” đối với các sản phẩm thực phẩm đóng gói để giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm theo nhu cầu. Đến nay, cứ chín trên mười người thuộc đảo quốc Singapore đã biết đến chương trình dán nhãn biểu tượng “Sự lựa chọn lành mạnh” và 80% đã lựa chọn những sản phẩm có dán nhãn này.

Ngoài các biện pháp kể trên, WHO cũng khuyến cáo các chính phủ nên xây dựng và thực hiện một mô hình kinh tế mới cho các hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm, với các bằng chứng cho thấy các biện pháp tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế sẽ rất hiệu quả. Bên cạnh đó, WHO khuyến nghị các chính phủ nên tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách quốc gia cho hoạt động y tế, nâng cao sức khỏe, các chức năng y tế cộng đồng…, đồng thời, thực hiện các biện pháp tài khóa với các cân nhắc dựa trên các bằng chứng đã được chứng minh đối với những sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

Cộng đồng quốc tế cũng nên đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động kiểm soát và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm thông qua các kênh song phương và đa phương và tổ chức các diễn đàn sức khỏe cho các nhà đầu tư để hỗ trợ các hoạt động, chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm.