Vượt qua sợ hãi, nhà đầu tư "đua lệnh" mua cổ phiếu
(Dân trí) - Nhờ sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn của dòng tiền, VN-Index bứt tốc tăng hơn 35 điểm và đóng cửa cao nhất phiên ngay sát vùng 1.270 điểm. Hơn 800 cổ phiếu tăng giá, trong đó 75 mã tăng trần.
Lượng tăng, giá tăng
Với 815 mã tăng giá, 75 mã tăng trần trên cả 3 sàn, thị trường chứng khoán phiên hôm nay chứng kiến sự bùng nổ với cả diễn biến tăng giá lẫn thanh khoản.
Tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, dòng tiền đổ vào mạnh dạn hơn, đạt 655,24 triệu cổ phiếu trên HoSE tương ứng 16.574,24 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với phiên 24/5. Theo đó, VN-Index gần như bảo toàn được trạng thái tăng trong suốt phiên. Sau mỗi nhịp rung lắc, chỉ số đại diện cho sàn HoSE lại bứt tốc mạnh mẽ.
Diễn biến tăng của chỉ số chính được xác lập rõ rệt kể từ sau 11h, duy trì trong suốt phiên chiều và đóng cửa tại mức cao nhất là 1.268,43 điểm, ghi nhận tăng 35,05 điểm tương ứng 2,84%. Với mức đóng cửa này, VN-Index tạm thời đã thoát khỏi kênh giảm và quay trở lại xu hướng hồi phục. VN30-Index tăng 37,99 điểm tương ứng 2,99% lên 1.310,7 điểm.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng khởi sắc, tăng 8,95 điểm tương ứng 2,93% lên 314,91 điểm; UPCoM-Index tăng 1,66 điểm tương ứng 1,78% lên 94,78 điểm.
Thanh khoản HNX cũng đạt 91,11 triệu cổ phiếu tương ứng 2.035,83 tỷ đồng và trên UPCoM là 45,4 triệu cổ phiếu tương ứng 826,67 tỷ đồng.
Có tới 2 mã cổ phiếu trong rổ VN30 tăng trần là PNJ và FPT. Cả hai mã này đều trắng bên bán và có dư mua giá trần. Bên cạnh đó, GVR tăng 5%, VPB tăng 5%, VRE tăng 4,8%; STB tăng 4,6%; MBB tăng 4,5%; MWG tăng 4,5%.
Cổ phiếu Hòa Phát giảm giữa lúc nhiều cổ phiếu thép hồi phục mạnh mẽ
HPG vẫn tiếp tục là mã cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, kéo giảm chỉ số hơn 0,5 điểm. Mặc dù vậy, mức độ thiệt hại của mã này cũng đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn giảm 1,3% còn 34.450 đồng. Trong phiên, có lúc HPG đã giảm về 33.050 đồng/cổ phiếu.
Ngoại trừ HPG diễn biến có phần bất lợi thì những cổ phiếu khác trong nhóm tài nguyên cơ bản vẫn tăng giá tốt: SMC tăng trần, TLH tăng 5,3%; HSG tăng 5%; NKG tăng 4,9%. Cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng có diễn biến rất tích cực với hàng loạt mã tăng trần như CTD, HHV, HU3, TTB, PC1, TCD.
Ngân hàng, chứng khoán - nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao - tiếp tục có diễn biến ấn tượng khi thị trường bùng nổ. Phần lớn cổ phiếu các công ty chứng khoán đều có diễn biến tăng mạnh trong phiên hôm nay: ORS tăng trần; DSC tăng 11,1%; SHS tăng 7,1%; BSI tăng 6,4%; VCI tăng 6,1%; APS tăng 6%; CTS tăng 5,9%; MBS tăng 5,8%...
Tương tự, tại dòng cổ phiếu ngân hàng, SHB tăng 5,6%; ABB tăng 5,2%; VPB tăng 5%; STB tăng 4,6%; MBB tăng 4,5%; HDB tăng 4,3%; MSB tăng 4,2%...
Dòng sản xuất - xuất khẩu vẫn giữ phong độ, tăng giá mạnh. Tại nhóm phân bón, DCM, DPM tăng kịch biên độ trên HoSE, PSW tăng 7,1%; BFC tăng 5,9%; DDV tăng 5,5%; PSE tăng 4,7%; LAS tăng 4,4%... Nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp đua tăng trần "tím lịm": HAH, PVT, VOS, APH, GEX, REE, VSC, L10.
Dòng bán lẻ tiếp tục gây chú ý với diễn biến tăng trần tại DGW, FRT, PET, PSH; MWG tăng 4,5%; ABS tăng 3,7%; PIT tăng 3%; BTT tăng 2%. Nhóm điện, nước xăng dầu và khí đốt chứng kiến PGC, CNG, GEG tăng trần, BWE tăng 5,2%; POW tăng 4,3%; NT2 tăng 3,2%; KHP tăng 2,7%...
Nhìn chung, xét về cả giá và thanh khoản, hôm nay là một phiên giao dịch tích cực của thị trường. Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt trạng thái mua ròng nhẹ, trong đó tập trung vào các mã DCM, DPM, VNM, CTG, VRE, KBC, HDB, NLG…