Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết

Hoàng Nam Mai Thụy

(Dân trí) - Tết Nguyên đán đã gần kề nhưng không khí mua bán tại chợ vải Soái Kình Lâm (Quận 5) hết sức trầm lắng do số lượng khách giảm gần 90%. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhượng sạp do buôn bán ế ẩm.

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 1

Với tuổi đời hơn 35 năm, chợ Soái Kình Lâm (đường Trần Hưng Đạo, phường 14, Quận 5) được mệnh danh là thiên đường vải vóc, chuyên mua bán sỉ và lẻ các loại vải cho cả thành phố và các tỉnh thành phía Nam. Theo các tiểu thương, những tháng cận Tết các năm trước chợ luôn nhộn nhịp. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến sức mua và nhu cầu may mặc của người dân giảm nên chợ hết sức trầm lắng, vắng vẻ. Một phần bởi chợ dần xuống cấp và bị cạnh tranh bởi chợ vải Tân Bình (Ảnh: Mai Thụy).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 2

Cửa hàng bán vải của ông Trần Công Hòa (55 tuổi) mở cửa từ sáng sớm nhưng đến trưa vẫn vắng khách. Ông Hòa chia sẻ: "Do năm nay vừa hết dịch bệnh nên người dân chủ yếu mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết nhiều hơn, những mặt hàng xa xỉ như vải vóc giảm mua hẳn đi" (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 3

Bà Nguyễn Thị Tuyết (60 tuổi), bán vải tại chợ Soái Kình Lâm 20 năm qua cho biết: "So với lượng khách những năm trước thì khách năm nay đến chỉ bằng 1/10, mỗi ngày chỉ thu về được khoảng 1-2 triệu tiền vải, tính ra chỉ trên dưới chục tấm vải, chưa tính tiền nhân công và tiền vốn. Mở cửa từ sáng đến trưa có duy nhất một khách đến mua tấm vải 300 ngàn đồng" (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 4

Hiếm khi mới gặp hình ảnh một khách mua hàng với số lượng lớn. Các tiểu thương cho biết trung bình mỗi ngày họ chỉ bán được từ 2 đến 5 khách (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 5

Gắn bó với nghề bán vải hơn 50 năm, bà Nga (72 tuổi) không khỏi xúc động khi kể về cảnh buôn bán ế ẩm hiện nay. "Buôn bán chán lắm, sáng dọn hàng ra tối dọn hàng vô. Cũng may tiền mặt bằng người ta cũng thông cảm nên giảm cho mình. Từ tháng 5 đến tháng 10 được giảm 50% tiền mặt bằng, qua đến tháng 11 do khó khăn nên dân chợ khiếu nại lên trên thì được giảm thêm 10% nữa, rồi cũng được trợ cấp thêm 3 triệu đồng. Nhưng với tình hình buôn bán thế này thì vô cùng khó khăn, Tết này cũng không sắm sửa gì được nhiều, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo à", bà Nga nói (Ảnh: Mai Thụy).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 6

Cảnh các quầy vải phải đóng cửa đã không còn xa lạ với người dân ở chợ. Bà Nga nói thêm: "Nhiều thương nhân lỗ quá phải chấp nhận đóng quầy. Đi làm nhà nước ít ra còn được hưởng chế độ chứ kinh doanh ở đây lúc lên lúc xuống, không khéo là đổ nợ. Lúc trước còn mơ đến làm giàu, bây giờ chỉ cần đủ ăn, đủ mặc rồi giữ được cái nghề là vui lắm rồi" (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 7

Với số lượng vải tồn kho nhiều, quyết định bỏ nghề là quyết định khá khó khăn của nhiều tiểu thương. Nếu bỏ nghề họ phải chấp nhận bỏ hết số vốn ban đầu và một lượng vải lớn nên nhiều tiểu thương chọn cách đóng cửa tạm thời, ổn định kinh tế trước rồi mới tiếp tục kinh doanh (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 8

Khác với vải vóc, áo dài là một mặt hàng tương đối xa xỉ và kén người mua nên nhiều cửa hàng bán áo dài được đặt ở các vị trí mặt tiền của chợ, dẫn đến tiền thuê mặt bằng luôn ở mức cao. Sau nhiều tháng đóng cửa, nhiều cửa hàng khang trang đã xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 9

Mặt hàng phục vụ riêng cho dịp Tết được nhập về rất nhiều nhưng chừng đó là chưa đủ để thu hút khách đến mua sắm. Trên các cửa hàng còn treo bảng "cho thuê nhà" của ban quản lý chợ với mong muốn có thể lấp vào các gian hàng trống đã nghỉ bán từ lâu (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 10

Tại một lối vào của chợ, vải được bày bán tràn ra 2 bên đường. Dọc trên các con đường này, số lượng hàng vải còn nhiều hơn số lượng khách hàng qua lại (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 11

Dù không có khách, công nhân hàng vải vẫn phải làm việc liên tục. Những công việc thường thấy trong thời điểm này là sắp xếp hàng vải tồn kho cho gọn gàng và gói vải thành từng cuộn để dễ sắp xếp (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 12

Công nhân hàng vải vội chợp mắt trên chiếc xe gắn máy của mình. Giờ lao động của các công nhân ở đây bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc tầm khoảng 6h tối. Do thời gian làm việc kéo dài và liên tục như vậy, những phút nghỉ ngơi với họ là rất quý giá (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 13

Vào sâu bên trong chợ, không khí mua bán hết sức trầm lắng. Đã 5 ngày qua nhưng một số con hẻm của chợ vẫn chưa có khách bước chân vào. Cô Nguyễn Thị Bông (70 tuổi), chủ một hàng vải tại đây cho biết: "Phía bên ngoài đa số là những chủ doanh nghiệp, họ còn có của ăn của để nên dễ xoay sở, còn sâu bên trong chợ toàn là tiểu thương, vốn nhỏ nên không cạnh tranh lại, cũng không đủ tiền để gồng mình trong mấy đợt dịch này" (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 14

Việc vận chuyển các cuộn vải từ kho ra cửa hàng trưng bày từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng tại chợ vải Soái Kình Lâm. Trước đây, con đường Trần Hưng Đạo luôn tấp nập cảnh người buôn, kẻ bán nhưng tình hình buôn bán khó khăn khiến con đường này cũng dần thưa vắng cả khách lẫn những chuyến xe chở vải (Ảnh: Mai Thụy).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 15

Anh Tư, một công nhân vải đang đóng gói chuẩn bị đi giao hàng. Theo anh, vào thời điểm khó khăn thế này, một khách hàng thôi cũng là quý giá nên dù ở xa đến đâu anh cũng phải ráng đến giao hàng (Ảnh: Hoàng Nam).

Vựa vải lớn nhất Sài Gòn ế ẩm chưa từng thấy những ngày giáp Tết - 16

Đa số tiểu thương kinh doanh vải ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo buôn bán ổn định hơn so với các quầy vải trong lồng chợ. Tuy nhiên, việc buôn bán vẫn không khá hơn nhiều vì số lượng khách hàng mua vải giảm trầm trọng do tâm lý còn ngại tiếp xúc công cộng do dịch Covid-19. Mặc dù đã được hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như ban quản lý chợ, nhưng nhiều cửa hàng vải và người dân lao động ở đây vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn để có thể tồn tại được trong chợ Soái Kình Lâm. Với các tiểu thương nơi đây, Tết có lẽ là một điều gì đó khá xa vời. Đối với họ, trong những ngày này, kiếm đủ miếng ăn cũng như giải quyết hết được các mặt hàng tồn kho đã mừng lắm rồi (Ảnh: Mai Thụy).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm