DMagazine

"Vua tiêu": Mình tự lo được, nhường cho người yếu hơn là cách giúp Nhà nước

(Dân trí) - "Tôi quan niệm tự làm tốt chính là cách giúp Nhà nước. Khi mình khỏe, mình không cần nhận hỗ trợ và có thể để dành điều đó cho những người yếu hơn, cần nó hơn", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Tháng 9 năm ngoái, giữa những ngày TPHCM vẫn còn giãn cách xã hội, cuộc trò chuyện trực tuyến của Dân trí với ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, đôi lần bị gián đoạn bởi tiếng còi xe cứu thương. Khi ấy, TPHCM vẫn còn trong cơn bạo bệnh với hàng nghìn ca mắc mới, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

Sau nửa năm gặp lại, cuộc trò chuyện với "vua hồ tiêu" đã có thể diễn ra trực tiếp. Ông Thông vui vẻ chia sẻ văn phòng cũng chỉ mới đông đúc trở lại khi nhiều nhân sự đi làm lại. "Cả năm ngoái dịch căng thế mà chúng tôi không có ai bị nhiễm, còn mấy tuần rồi có đến nửa văn phòng thành F0", ông nói.

Trong văn phòng làm việc được bài trí như một gallery với nhiều bức tranh khổ lớn, "vua tiêu" hào hứng chia sẻ những dự định mới sau một năm đáng nhớ. Năm Covid-19 thứ hai cũng chính là thời điểm đánh dấu tròn 20 năm khởi nghiệp của ông.

Không biết ngày mai ra sao nên đừng áp lực, bi quan mà hãy tìm giải pháp

Mỗi lần nói về dịch Covid-19, có cảm giác như công ty ông chẳng hề hấn gì vì dịch bệnh, lại còn tăng trưởng tốt. Kết quả năm ngoái của công ty ông có thật như thế?

- Năm ngoái lợi nhuận của chúng tôi gấp đôi 2020, cả mảng xuất khẩu lẫn nội địa đều có tăng tốt. Trong đại dịch, thị trường thiếu đủ thứ, thiếu nhà cung cấp, thiếu người giao hàng. Nhưng khi đó chúng tôi không nghỉ bất cứ ngày nào, nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Khi mọi người không làm, chúng tôi vẫn làm là một lợi thế lớn.

Một công ty phải nghỉ 4 tháng vì dịch thì không có dòng tiền, khi quay trở lại sẽ cực kỳ khó khăn. Họ khó tìm nhân sự vì nhân viên mất thu nhập đã nghỉ, đi tìm việc ở công ty khác. Tôi có nhiều bạn bè làm trong ngành bán lẻ, khách sạn, F&B, họ đóng cửa suốt 4 tháng dịch năm ngoái và đến giờ vẫn còn vật lộn. Bạn có thể thấy ngay ở quận 1, nhiều mặt bằng vẫn đóng cửa im lìm.

Chính vì hoạt động liên tục suốt dịch nên chúng tôi vẫn tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, duy trì lực lượng lao động. Thật ra năm 2019 mới là thời điểm lợi nhuận công ty tôi gần như chạm đáy. Còn trong hai năm dịch, chúng tôi lại tăng trưởng tốt, 2020 hồi phục lại và 2021 còn tăng tốt hơn nhiều. 

Một điều tôi hãnh diện là năm ngoái vẫn trả được lương đầy đủ cho nhân viên. Gần như mọi người công ty còn được tăng lương nữa, lại có thêm thưởng Tết trong khi nhiều doanh nghiệp khác chật vật.

Theo như ông nói, đại dịch lại trở thành một cơ hội lớn giúp công ty tăng trưởng. Vậy hiện tại, khi dịch bệnh đã qua đi, mọi thứ trở lại bình thường, ông làm thế nào để giữ được đà đi lên đó?

- Khi nhu cầu thực phẩm trong dịch tăng vọt, chúng tôi đã thích ứng rất nhanh, tăng trưởng nhờ vào việc hoạt động xuyên suốt mùa dịch trong khi các công ty cùng ngành tạm nghỉ. Còn hiện tại, mọi việc đã trở lại bình thường, khách hàng lại có nhiều nhà cung cấp nên chúng tôi phải tiếp tục sáng tạo, làm những điều đặc biệt, khác biệt hơn thị trường.

Đây cũng chính là kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của tôi. Dù thế nào cũng vẫn phải tiến lên, vẫn phải sáng tạo. Việt Nam chúng ta đang tiếp tục phát triển, vẫn có rất nhiều vốn đầu tư đổ vào. Một khi chúng ta giải quyết được vấn đề du lịch, giao thương mở cửa trở lại hoàn toàn, người nước ngoài sẽ lại đổ về Việt Nam rất nhiều, tạo ra thêm nhiều cơ hội mới.

Tôi luôn xác định trên thị trường có 10 người bán mà chỉ có 5 người mua thì phải chiến đấu để vào được top 3 người bán được nhiều nhất, chứ không chỉ chấp nhận nằm trong 5 người bán được hàng.

Vua tiêu: Mình tự lo được, nhường cho người yếu hơn là cách giúp Nhà nước - 1

Nhưng có vẻ người tiêu dùng đang thắt hầu bao chi tiêu và sức mua giảm sút vì lạm phát. Ông đánh giá gì về rủi ro này?

- Đúng là hiện nay đúng là sức mua giảm mạnh, tôi nghĩ phải giảm đến 40% so với trước dịch. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng vẫn vắng vẻ. Cửa hàng bán quần áo, ăn uống ngày xưa ở đâu cũng đông, giờ không còn cảnh đó, nhiều nơi còn phải đóng cửa.

Rất nhiều người nhập cư vào TPHCM đã trở về quê hương nhưng vẫn chưa quay lại. Lao động có kinh nghiệm không thiếu nhưng lao động phổ thông đang thiếu trầm trọng, kể cả ở các tỉnh lân cận.

Sau thời gian dài các nhà máy, cửa hàng đóng cửa, nhiều người mất thu nhập. Một cửa hàng có 5-10 nhân viên, một khách sạn với 20-30 con người, một quận có hàng trăm cơ sở như vậy phải đóng cửa nhiều tháng trời thì số lượng người bị ảnh hưởng rất khổng lồ.

Tỷ lệ người thất nghiệp nhiều, người chưa có việc rất nhiều, bị giảm thu nhập nhưng lại còn bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhiều mặt hàng đang tăng giá dữ dội, đồ ăn đồ uống đều tăng. Mỗi thứ chỉ cần tăng một ít nhưng người tiêu dùng phải trả tất cả chi phí bị đội lên thì đó không phải là một số tiền nhỏ.  

Vậy ông có lo lắng về ảnh hưởng của lạm phát đến việc kinh doanh cũng như việc doanh nghiệp phục hồi?

- Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn nên mua cao thì bán giá cao. Ở trong nước, chúng tôi trực tiếp làm với nông dân, là nhà sản xuất chủ động nguồn cung, vẫn cố gắng giữ giá nhiều mặt hàng.

Lạm phát chưa tác động đến công ty tôi nhiều nhưng đang ảnh hưởng rõ rệt đến người tiêu dùng. Vấn đề này khá căng thẳng, chúng tôi phải tìm cách đối mặt với nó.

Nhưng tôi quan niệm không thể nào kiểm soát được mọi thứ, càng không thể biết chắc ngày mai ra sao, mình luôn phải tìm cách giải quyết vấn đề thay vì áp lực hay bi quan.

Chuẩn bị cho "bình thường mới"

Vậy ông đã có kế hoạch gì cho giai đoạn "bình thường mới"?

- Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số 40% nhưng chỉ tuyển thêm 4 người nữa. Hiện tại chúng tôi chỉ có 38 nhân sự nhưng mỗi năm xuất khẩu 5.000 container. Công ty cũng sẽ đầu tư nhà máy mới, mở chuỗi cà phê riêng.

Năm nay, tôi sẽ lại đi nước ngoài để xúc tiến thương mại, gặp gỡ khách hàng. Bình thường, một năm tôi ở nước ngoài 6 tháng nhưng hai năm qua chỉ ở nhà làm việc online.

Tại sao ông lại quyết định chọn thời điểm này để mở chuỗi cà phê, nhảy vào thị trường F&B? Chính ông chia sẻ là nhiều hàng quán, mặt bằng ở trung tâm TPHCM vẫn đóng cửa im lìm.

Chúng tôi có lợi thế làm việc trực tiếp với nông dân, có sẵn nhà máy chế biến cà phê, rang xay, đóng gói. Chúng tôi có sản phẩm tốt, có nhiều thuận lợi thì không có lý do gì để không làm chuỗi F&B.

Quan điểm kinh doanh của tôi là luôn tìm những thị trường mới, sáng tạo ra sản phẩm mới. Chúng tôi buôn bán với gần 100 nước trên thế giới, cạnh tranh với công ty nước ngoài nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi đi từ xuất khẩu rồi quay về thị trường nội địa và giờ phát triển chuỗi F&B để hoàn thiện chuỗi giá trị của mình. Người khác làm F&B còn phải phụ thuộc nguồn cung, chúng tôi thì đã có sẵn. 

Thị trường F&B đúng là đầy rủi ro và thách thức nhưng tôi nghĩ mình không thể không làm. Sau năm 2020, chúng ta tự tin nhưng rồi 2021 lại quá khó khăn. Trong cuộc sống, đôi khi mình không thể biết hết mọi vấn đề sẽ xảy ra, quan trọng là chuẩn bị, thích ứng và đối phó thế nào.

Vua tiêu: Mình tự lo được, nhường cho người yếu hơn là cách giúp Nhà nước - 3

Nhưng F&B vẫn là một lĩnh vực khác biệt so với những gì ông đã làm trong hơn 20 năm qua. Ông có sợ rủi ro?

- F&B đúng là một câu chuyện hoàn toàn khác nhưng thực ra chúng tôi cũng không phải là dân ngoại đạo.

Chúng tôi đã mở quán cà phê ở quận 1, quận 7 để giới thiệu sản phẩm 7-8 năm nay. Những năm vừa qua, công ty cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, tự sửa chữa những sai lầm của mình.

Tôi muốn thay đổi quan điểm mọi thứ tốt đẹp ở Việt Nam đều đem đi xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu và nội địa phải cân bằng. Người tiêu dùng Việt Nam đang bị đối xử bất công, những gì ngon nhất, tốt nhất chúng ta đều xuất khẩu hết đi nước ngoài. Trong khi đó, chúng ta cũng nhập khẩu nhiều thứ từ cây tre, cây tăm nhưng những cái đấy Việt Nam đều có thể làm được.

Nhưng câu chuyện trên tồn tại nhiều năm nay phải có lý do riêng chứ? 

- Khi Việt Nam mở cửa, chúng ta thiếu ngoại tệ và khuyến khích xuất khẩu trong nhiều năm. Chính công ty tôi từng được thưởng rất nhiều tiền vì xuất khẩu tốt và số tiền đó cũng giúp chúng tôi làm được rất nhiều việc. Doanh nghiệp xuất khẩu được đối xử tốt hơn, ngân hàng cho vay dễ hơn, lãi suất rẻ hơn. Nhưng bao nhiêu năm nay, khi hướng về xuất khẩu nhiều quá, chúng ta lại bỏ quên thị trường nội địa cả trăm triệu dân.

Tôi nghĩ người tiêu dùng trong nước cần được đối xử tốt hơn, xứng đáng có nhiều sự lựa chọn, sản phẩm tốt hơn. Khách hàng ở thị trường nội địa cũng sẵn sàng trả rất nhiều tiền. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có khả năng cung cấp nhiều sản phẩm tốt cho thị trường nội địa.

Dịch bệnh đã khiến chúng ta cảm thấy không có gì là chắc chắn về tương lai. Cá nhân ông có cảm thấy điều gì đã thay đổi mãi mãi sau đại dịch và ảnh hưởng lên chiến lược kinh doanh của mình?

Trước dịch, chúng ta hay nói về chuyển đổi số nhưng thực tế rất ì ạch. Nhưng sau dịch, chuyển đổi số đã thay đổi mọi thứ, tư duy của mọi người đều thay đổi. Lần đầu tiên chúng ta có thể đi siêu thị, cửa hàng mua đồ mà không phải cầm tiền, chỉ cần đúng một cái điện thoại để thanh toán. Những chuyện như vậy sẽ thay đổi vĩnh viễn hành vi của người tiêu dùng.

Bản thân cảm xúc của con người cũng thay đổi. Tôi thấy mọi người nhạy cảm hơn, dễ xúc động hơn, bớt lạnh lùng đi. Khi có quá nhiều người ra đi vì dịch, chúng ta bắt đầu cảm thấy cuộc sống quá mong manh, cái chết có thể xảy đến với bất kỳ ai.

Khi quay lại làm chương trình bán hàng ở các chợ sau dịch, chúng tôi mới biết có nhiều người là khách hàng ruột đã mất rồi. Câu chuyện đó trước đây không thể nào tưởng tượng được, lập tức chạm đến tôi.

Chính vì vậy mà tôi nghĩ muốn làm gì thì phải làm ngay, cần đầu tư gì thì phải thực hiện luôn, không thể chần chừ nữa. Minh chứng cụ thể là chúng tôi sẽ quyết liệt làm chuỗi F&B. Đây là việc tôi đã muốn làm từ lâu nhưng trước đây cứ nghĩ chưa sẵn sàng về nhiều thứ nhưng bây giờ phải làm luôn.

Ở khía cạnh quản lý, tôi thấy mọi người hiện tại có nhiều sự lựa chọn hơn và mình phải chấp nhận điều đó. Ngày xưa có thể tôi cứ khăng khăng phải thế này thế kia nhưng giờ thì không thể như vậy, phải chấp nhận nhiều ý kiến trái chiều hơn. Tôi nghĩ cách quản lý của mình dân chủ hơn, nhìn mọi thứ bao dung hơn.

Tôi cũng ít tiết kiệm trong việc quản lý hơn, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đầu tư vào nhà máy, con người, tất cả mọi thứ. Đó cũng là một phần lý do mà tôi quyết định tăng lương cho nhân sự vào năm ngoái.

Đừng chỉ chăm chăm trông chờ chính sách, hãy tự thân vận động

Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ lớn để phục hồi kinh tế trong sau dịch. Với vị thế một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, ông có kỳ vọng gì vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước?

- Tôi quan niệm tự mình làm tốt chính là cách giúp Nhà nước. Khi mình khỏe, mình không cần nhận hỗ trợ và có thể để dành điều đó cho những người yếu hơn, cần nó hơn.

Thời điểm 2007-2008, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ra ngước ngoài tham dự triển lãm, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, lúc đó tôi nói là mình tự lo được và số tiền đấy nên để dành cho những công ty chưa đủ điều kiện. Chúng tôi đã tự làm và làm tốt.

Quan điểm xưa nay của tôi là không chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải trông chờ vào chính bản thân mình. Thực tế trong 2 năm dịch, công ty của tôi bị thanh tra thuế nhiều hơn cả trước đây.

Tôi nghĩ ngân sách của chúng ta không dư dả nhiều nên bản thân tôi không mong chờ quá nhiều. Nhưng có rất nhiều công ty bị đóng cửa, họ đang rất cần được Nhà nước hỗ trợ.

Chúng tôi là công ty nông nghiệp và Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên đại đa số chính sách đều ủng hộ phát triển nông nghiệp. Nhìn chung, tôi thấy đa số chính sách với ngành nông nghiệp tốt rồi, quan trọng là mình phải tự thân vận động.

Vậy còn chuyện khó vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi thì sao? Vấn đề này thường được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp than phiền.

- Tôi thấy nhiều công ty vừa và nhỏ vẫn còn tư duy xin cho khi gặp ngân hàng. Nhưng thực tế, nếu muốn đi vay, bạn phải có hồ sơ sạch đẹp, báo cáo tài chính có kiểm toán. Tôi nghĩ các công ty nếu minh bạch, rõ ràng sẽ dễ dàng vay vốn.

Bản thân chúng tôi cũng là doanh nghiệp tư nhân, làm ăn có lãi, nhiều năm nay vẫn thuê hãng kiểm toán thuộc nhóm Big 4 nên vay ngân hàng rất dễ, lãi suất còn rất tốt. Từ khi thành lập đến nay, Phúc Sinh năm nào cũng có lãi, trong khi có rất nhiều công ty dùng hai bộ sổ sách, có thể họ cũng lãi nhưng lại báo lỗ với cơ quan thuế.

Vậy nên tôi nghĩ câu chuyện ngành nông nghiệp bị ngân hàng chèn ép hay khó vay vốn là không đúng. Từ kinh nghiệm của tôi, các ngân hàng ở Việt Nam cho vay còn dễ hơn so với ở Philippines hay Indonesia. Vấn đề cuối cùng vẫn phải là từ bản thân mình mà ra.

Vua tiêu: Mình tự lo được, nhường cho người yếu hơn là cách giúp Nhà nước - 5

Ông được mệnh danh là "vua tiêu". Liệu thương hiệu này có phải vừa là lợi thế mà cũng vừa là trở ngại khi ông bị đóng khung vào một ngành hàng nhưng lại đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác?

"Vua tiêu" là cái tên rất tự hào vì tôi không hề tự xưng mà được người trong ngành đánh giá cao nên được gọi như vậy. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi họ được truyền cảm hứng từ Phúc Sinh vì chúng tôi là công ty tư nhân đầu đàn trên thị trường xuất khẩu, liên tục tạo ra rất nhiều sản phẩm mới.

Thật sự lúc đầu tôi được gọi như vậy cũng khá là ngượng nhưng bây giờ thì rất vinh dự vì có thể ghi dấu ấn trong một ngành hàng cạnh tranh. Đến bây giờ, tôi làm cà phê gấp đôi hạt tiêu nhưng vẫn rất hạnh phúc và tự hào về cái tên đấy.

Cá nhân tôi không hề có suy nghĩ mình sẽ bị đóng khung vào một ngành hàng nào vì cái tên "vua tiêu" cả vì tinh thần rất tự do và tích cực.

Doanh số cà phê đã gấp đôi hạt tiêu và chuẩn bị mở chuỗi, ông có muốn trong tương lai mình sẽ có thêm biệt danh "vua cà phê" không?

Cà phê là một lãnh địa đòi hỏi sự sáng tạo hơn rất nhiều. Tôi cũng muốn ghi dấu ấn của mình trong ngành hàng này nên sẽ không ngừng đầu tư, phát triển, sáng tạo.

Dòng sự kiện: Phục hồi kinh tế