1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ xăng Malaysia 13.000 đồng/lít: Thủ tướng yêu cầu theo dõi kỹ để xử lý

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi kỹ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xem xét theo quy định trước thông tin "Việt Nam có thể nhập xăng Malaysia giá 13.000 đồng/lít".

Có thể nhập nếu giá xăng rẻ để bình ổn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam.

Cụ thể, văn bản nêu rõ, ngày 3/6, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc làm rõ thông tin về giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên theo dõi kỹ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.

Vụ xăng Malaysia 13.000 đồng/lít: Thủ tướng yêu cầu theo dõi kỹ để xử lý - 1

Theo chuyên gia, nếu có thể nhập được nguồn xăng dầu giá rẻ từ Malaysia chỉ với giá 13.000 đồng/lít để tạo nguồn cung và giúp bình ổn giá nhưng trong phân phối vẫn phải theo cơ chế điều hành chung (Ảnh: Mạnh Quân).

Trả lời bên hành lang Quốc hội về thông tin có thể nhập xăng giá 13.000 đồng/lít từ Malaysia, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho biết, nếu giá hấp dẫn, rẻ hơn các nơi khác thì có thể nhập để đảm bảo nguồn cung trong nước. Song theo vị này, giá cũng chỉ là một yếu tố, cần phải tính đến các vấn đề khác như tính ổn định của nguồn cung, chất lượng, chi phí vận chuyển…

Ông Lâm cho biết, khi mua xăng dầu giá rẻ, Nhà nước vẫn thực hiện các chính sách thuế phí trên giá xăng dầu, song nhiều loại thuế theo đó cũng sẽ thấp đi, có lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh, việc bình ổn giá xăng dầu có thể được thực hiện qua nhiều phương thức như tăng nguồn cung, giảm thuế phí... trong đó, giảm thuế phí là biện pháp tức thời cần điều chỉnh nhanh.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, đảm bảo nguồn cung là vấn đề quan trọng hiện nay. Nguồn cung xăng dầu hiện có nguồn từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Còn với nguồn nhập khẩu, nếu có các nguồn nhập khẩu với mức giá phù hợp thì "không có lý do gì chúng ta không thực hiện điều đó khi giá xăng trong nước lập đỉnh", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, nếu nhập được nguồn xăng dầu giá rẻ, sẽ gộp với nguồn xăng dầu trong nước, thực hiện điều hành chung; không thể tách riêng để tránh những vấn đề phát sinh như bất bình đẳng, trục lợi.

Nhiều khả năng sau kỳ điều chỉnh chiều nay (13/6), giá xăng có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, giá xăng dầu tăng quá cao hiện nay tạo áp lực lớn lên lạm phát, bởi đây là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế.

Theo ông Lâm, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội trong năm nay không vượt quá 4%, tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng trên 2%. Dư địa cho kiểm soát lạm phát từ giờ đến cuối năm còn rất hạn hẹp, do đó cần có chủ trương để kiểm soát lạm phát, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần áp dụng tổng thể các biện pháp như sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu, thực hiện chính sách hoãn, giảm hoặc miễn một số sắc thuế đánh trên xăng dầu; tính toán chính sách an sinh, tác động trực tiếp vào các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng giá xăng dầu.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, cần cân đối, tính toán trên các yếu tố tác động đến lạm phát và đặt mục tiêu kiềm giá ở mức độ tương xứng. Nếu kiềm giá ở mức quá thấp so với thị trường thế giới sẽ có nguy cơ buôn lậu xăng dầu, xăng dầu trong nước chảy sang các quốc gia có giá cao hơn.

Làm rõ thông tin về giá xăng dầu và khả năng cung cấp của Malaysia cho Việt Nam

Tại văn bản gửi ông Trần Việt Thái, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ thông tin về giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam mà một số báo điện tử đăng tải từ phát biểu của ông Trần Việt Thái tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo", do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức.

Các báo đưa tin: "Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái, xăng RON95 tại Malaysia đang ổn định, có giá chỉ 13.000 đồng/lít, nếu doanh nghiệp Việt Nam nhập về nước sẽ góp phần bình ổn giá xăng dầu hiện nay".

Các thông tin cũng cho hay "để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu và giúp đa dạng hóa thị trường cung ứng xăng dầu của Việt Nam, Chính phủ Malaysia đồng ý xuất cho Việt Nam 300.000 lít xăng RON95 với giá hữu nghị nhưng đến nay chưa triển khai được nhiều".

Theo Bộ Công Thương, Malaysia là nước sản xuất và xuất khẩu xăng dầu lớn trên thế giới, nước này không áp dụng các loại thuế mà có chính sách trợ giá với xăng dầu người dân tiêu thụ trong nước. Hiện Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM (tương đương 0,4 USD) cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM (tương đương 0,45 USD) cho mỗi lít dầu diesel.

Do đó, cơ quan quản lý xăng dầu cho rằng nếu không được chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam nếu Việt Nam không áp các loại thuế. Cụ thể, giá xăng RON95 của Malaysia là 0,87 USD/lít, trong khi giá xăng của Việt Nam là 0,86 USD/lít nếu bỏ các loại thuế, phí.

Trong khi đó, chính sách của Malaysia chỉ áp dụng với người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại Malaysia mua xăng cũng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của nước này được bán theo giá thị trường chung của khu vực.

Bộ Công Thương dẫn chứng là thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á như Singapore.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề nghị ông Trần Việt Thái giải thích và cung cấp các thông tin liên quan đến nguồn cung, giá bán xuất khẩu, hỗ trợ kết nối để Việt Nam có thể mua xăng từ Malaysia với giá bán như đã thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp.

Một chuyên gia cho rằng rất khó để nhập được xăng của Malaysia với mức giá 13.000 đồng/lít với lý do nước này chỉ áp dụng miễn thuế, trợ giá cho người dân.

Trong khi đó, số lượng mà nước này xuất bán được thông tin là 300.000 lít cũng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, tương đương khoảng 1% lượng tiêu thụ xăng trong 1 ngày của cả nước, đủ để một cửa hàng xăng dầu ở thành phố lớn bán trong 5 ngày do hiện nhu cầu tiêu thụ xăng cả nước khoảng 20 triệu lít/ngày.