Vụ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng: Tỷ phú thừa tiền không ai làm vậy

An Linh

(Dân trí) - Theo luật sư Trương Thanh Đức, về các nguyên lý kinh tế và pháp luật, tỷ phú USD thừa tiền cũng không đến mức bỏ hàng tỷ USD vào vốn điều lệ như vậy.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, khẳng định, về luật pháp, không ai ngăn cản việc đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp, nhưng nếu xét về trường hợp này có rất nhiều bất thường.

Theo ông Đức, sự việc lập doanh nghiệp hàng trăm nghìn tỷ đồng tại Hà Nội chỉ có hiệu quả ở hai khía cạnh "nổ", "sĩ". Còn hai phương án khác là đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả kinh tế là... con số không.

Theo luật sư Đức: "Thứ nhất, luật pháp không bắt anh phải nộp tối thiểu, tối đa bao nhiêu vốn điều lệ, anh muốn nộp bao nhiêu cũng được, miễn là thực hiện đúng, đủ".

Vụ siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng: Tỷ phú thừa tiền không ai làm vậy - 1

Trụ sở của siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng.

Thứ hai, về hiệu quả kinh tế, luật sư Đức khẳng định: Ngay cả một tỷ phú có cả trăm tỷ USD cũng không dại gì bỏ vài tỷ USD vào vốn điều lệ cho doanh nghiệp, bởi đó là chi phí đầu tư, là dòng tiền. Thay vì đổ hàng tỷ USD, họ chỉ cần bỏ chút ít, số tiền còn lại gửi ngân hàng ăn lãi sẽ hiệu quả hơn. Ở đây, vốn điều lệ hàng tỷ USD, rồi phải chịu lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm, người có tiền không ai làm thế cả.

"Tỷ phú thừa tiền cũng không ai làm như vậy. Và nếu mức vốn điều lệ lớn hàng tỷ USD mà doanh nghiệp không làm gì trong 4 năm qua thì là vấn đề bịp bợm, chẳng giải quyết gì", vị luật sư nói.

Theo ông Đức, việc đăng ký vốn điều lệ lớn chỉ gây rắc rối cho cá nhân người đăng ký bởi nếu vốn quá lớn sẽ khiến các cơ quan chức năng để ý, điều tra nghi vấn rửa tiền, gây phiền toái cho mình.

"Trường hợp doanh nghiệp bắt buộc đăng ký hoặc tăng vốn điều lệ lớn khi và chỉ khi họ sắp lên sàn, tham gia đấu thầu hoặc chủ thể là các ngân hàng phải làm các nhiệm vụ trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo dư nợ tín dụng.... phải đủ vốn điều lệ quy định. Còn đây, doanh nghiệp này 4 năm lập ra chỉ để nộp thuế môn bài vài triệu đồng, không phát sinh doanh thu, không nộp thuế giá trị gia tăng, không dùng hóa đơn thì không có nghĩa lý gì cả. Rất nghi ngờ!", ông Đức nói.

"Thực tế một vấn đề sự vụ nhỏ của doanh nghiệp cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý. Còn trường hợp đột biến vài trăm nghìn tỷ đồng như thế này là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay sao không giám sát, quản lý", ông Đức đặt câu hỏi và cho rằng: "Đây là lỗi của cơ quan chức năng. Ai đăng ký lập doanh nghiệp bằng "mồm", đăng ký để cho oai, cho sĩ phải chịu trách nhiệm".

Thực tế hiện có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có vốn hoạt động hàng tỷ USD đến chục tỷ USD nhưng vốn điều lệ không đáng bao nhiêu. Theo chuyên gia, rõ ràng chính sách pháp luật đang có kẽ hở khiến những chuyện dở khóc, dở cười diễn ra.