Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM:
Vụ sếp Nam A Bank bị tố làm lộ thông tin: Khi nào ngân hàng được tra cứu?
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng các ngân hàng được khai thác thông tin tín dụng để phục vụ hoạt động quản trị rủi ro. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin cần đúng mục đích theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM vừa có văn bản trả lời phóng viên báo Dân trí liên quan đến đơn phản ánh của 2 cá nhân tại TPHCM về việc bị Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB) làm lộ thông tin tín dụng dù 2 người này không phải là khách hàng của ngân hàng, cũng không có nhu cầu tạo lập mối quan hệ tín dụng với ngân hàng này.
Căn cứ theo quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết về mặt chính sách, tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng thông tin tín dụng từ Trung tâm Tín dụng quốc gia (CIC) đều phải thực hiện, tuân thủ theo quy định.
Cụ thể, việc khai thác căn cứ theo Thông tư 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng và Thông tư 27 năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03.
Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được khai thác dịch vụ thông tin tín dụng phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng, các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác. Nội dung này nêu chi tiết tại Khoản 3 Điều 10 của Thông tư 03.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các hành vi vi phạm, hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng thông tin tín dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Như vậy theo quy định, các tổ chức tín dụng đã, đang khai thác, sử dụng thông tin tín dụng để phục vụ cho hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm khách hàng. Tùy trường hợp cụ thể, yêu cầu công việc các tổ chức tín dụng sẽ khai thác, sử dụng thông tin qua hoạt động thông tin tín dụng từ trung tâm tín dụng CIC đảm bảo đúng mục đích, nhu cầu sử dụng thông tin theo quy định.
Ở góc độ nghiệp vụ, các ngân hàng với vai trò vừa là đối tượng khai thác, sử dụng thông tin, vừa là tổ chức phải thực hiện nghiêm các quy định về thông tin tín dụng như cung cấp thông tin tín dụng cho trung tâm tín dụng CIC, tuân thủ các quy định của tổ chức tín dụng.
Vì vậy với vụ việc trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng cần xem lại cụ thể tình huống để xử lý phù hợp, hợp lý. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng cần được làm rõ để không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tất cả bên có liên quan.
Theo đơn phản ánh đến báo Dân trí, ông P.T.C và bà P.T.Y.N (cùng ở TPHCM) cho biết bị một cán bộ tại Nam A Bank làm lọt, lộ thông tin tín dụng quốc gia (CIC).
Cụ thể, trong đơn, ông C. và bà N. cho biết, ông Trương Quốc Vương, Phó giám đốc một chi nhánh của Nam A Bank tại TPHCM, đã thực hiện tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N., bao gồm các nội dung tra cứu về lịch sử tín dụng, tài sản đảm bảo liên quan... theo đề nghị của ông T.M.T (một khách hàng của Nam A Bank, có liên quan đến ông C., bà N.).
Sau đó, thông tin tín dụng của 2 cá nhân nói trên bị lọt, lộ trên một số trang mạng xã hội.
Theo thông tin trong đơn phản ánh, ông C. và bà N. cho biết họ không phải là khách hàng của Nam A Bank, cũng chưa từng có bất kỳ liên hệ hay nhu cầu quan hệ giao dịch tín dụng với ngân hàng này.
Do đó, 2 cá nhân này cho rằng việc Nam A Bank trích xuất thông tin CIC cá nhân và cung cấp tiết lộ cho người không liên quan là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật liên quan.