2 người tại TPHCM tố bị cán bộ một ngân hàng làm lộ thông tin tín dụng

Nhật Quang

(Dân trí) - 2 cá nhân là ông P.T.C và bà P.T.Y.N có đơn nêu bị một cán bộ của Nam A Bank làm lọt, lộ thông tin tín dụng CIC dù cả ông C. và bà N. không phải là khách của ngân hàng này.

Trong đơn phản ánh với báo Dân trí, ông P.T.C và bà P.T.Y.N (cùng ở TPHCM) thông tin về việc bị Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB) làm lọt, lộ thông tin tín dụng quốc gia (CIC) dù 2 cá nhân này không phải là khách hàng của Nam A Bank.

Ngày 14/6 vừa qua, ông C. và bà N. cho biết đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Trương Quốc Vương, Phó giám đốc một chi nhánh của Nam A Bank.

Nội dung buổi làm việc ngày 14/6 nêu rõ, ngày 28/5, ông Vương, lãnh đạo chi nhánh Nam A Bank, đã thực hiện tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N., bao gồm các nội dung tra cứu về lịch sử tín dụng, tài sản đảm bảo liên quan... theo đề nghị của ông T.M.T (một khách hàng quen của Nam A Bank, có liên quan đến ông C. và bà N.).

Vào ngày 28/5, ông T.M.T có đến chi nhánh ngân hàng gặp ông Vương để đề nghị tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N. Tại phòng làm việc của vị phó giám đốc chi nhánh, ông T. cung cấp bản sao căn cước công dân của ông C., bà N. và nhờ ông Vương tiến hành tra cứu. 

2 người tại TPHCM tố bị cán bộ một ngân hàng làm lộ thông tin tín dụng - 1

Trong đơn, ông C. và bà N. cho biết mình không phải là khách hàng của Nam A Bank và không có bất cứ giao dịch tín dụng liên quan đến ngân hàng này (Ảnh minh họa: Nam A Bank).

Sau khi có kết quả CIC, ông Vương in ra và để trên bàn. Lúc này, ông Vương có điện thoại nên ra ngoài nghe khoảng 15 phút. Khi quay trở lại, ông có nhìn thấy ông T. đang xem tờ in CIC của ông C. và bà N. Ông T. có ngỏ ý xin bản in CIC này nhưng ông Vương từ chối.

Phó giám đốc chi nhánh này cho biết, ông đã tra cứu thông tin CIC của ông C. và bà N. để phục vụ hoạt động ngân hàng. Lý do tra cứu là vì sắp tới Nam A Bank có đợt chào thầu lãi suất để huy động tiền gửi tại một dự án chung cư - nơi 2 cá nhân nêu trên đang là thành viên ban quản trị chung cư. Trước đó vào năm 2023, phía ngân hàng đã chào thầu một lần nhưng chưa trúng. 

Ông Vương cho rằng việc tra cứu thông tin CIC là theo quy định Thông tư 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước về quy định hoạt động thông tin tín dụng.

Trong khi đó, theo thông tin trong đơn, ông C. và bà N. cho biết mình không phải là khách hàng của Nam A Bank, cũng chưa từng có bất kỳ liên hệ hay nhu cầu quan hệ giao dịch tín dụng với ngân hàng này. Do đó, 2 cá nhân này cho rằng việc Nam A Bank trích xuất thông tin CIC cá nhân và cung cấp tiết lộ cho người không liên quan là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật liên quan.

Phóng viên Dân trí đã liên hệ với đại diện Nam A Bank để làm rõ thông tin vụ việc, đang chờ phản hồi từ phía ngân hàng.

Cán bộ Nam A Bank có đang làm đúng quy định?

Luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc Công ty Luật Lập Phương, Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng nếu như thông tin tố cáo của ông C. và bà N. trong đơn là đúng thì việc cán bộ ngân hàng tra cứu thông tin tín dụng của ông C. và bà N. mà không phải là khách hàng của Nam A Bank và không có nhu cầu tài chính hay quan hệ tín dụng nào với ngân hàng có thể được xem là vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân và quy định về hoạt động tín dụng.

Tại Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định về Bảo mật thông tin, các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng.

Tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

2 người tại TPHCM tố bị cán bộ một ngân hàng làm lộ thông tin tín dụng - 2

Luật sư Đỗ Văn Luận (Ảnh: Công ty Luật Lập Phương).

Điều này nhằm đảm bảo rằng thông tin cá nhân và tài chính của khách hàng được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, không bị trục lợi,  không bị lộ ra ngoài mà không có sự cho phép của khách hàng. 

Khoản 3 Điều 6 Thông tư 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định các hành vi cấm trong hoạt động thông tin tín dụng như cung cấp thông tin tín dụng cho tổ chức, cá nhân không liên quan, bất hợp pháp.

Cũng theo Thông tư 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, việc tra cứu thông tin tín dụng phải được thực hiện đúng theo quy trình và chỉ khi có sự đồng ý của cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong một số trường hợp.

Ông Vương cũng không thuộc một trong những đối tượng khai thác thông tin tín dụng được quy định tại các khoản trong thông tư của cơ quan quản lý.

Trong trường hợp này, ông C. và bà N. không phải là khách hàng của Nam A Bank, nên khi ông Vương muốn tra cứu thông tin tín dụng của 2 người này phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của cả hai người trên thì mới được phép. 

Vị luật sư cũng nhấn mạnh việc ông Vương tra cứu thông tin của ông C. và bà N. theo như tố cáo của 2 ông bà này, để phục vụ hoạt động ngân hàng là không đúng quy định của pháp luật, bởi ông C. và bà N. không phải là khách hàng tại Ngân hàng Nam Á đồng thời cũng không phải là người đang vay và không có nhu cầu vay tại ngân hàng Nam Á.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một chuyên gia tài chính nêu, việc cán bộ Nam A Bank tự ý tra cứu thông tin của ông C. và bà N. theo đơn tố cáo của 2 nhân vật trên trong khi 2 cá nhân này không có nhu cầu giao kết cũng không phải khách của ngân hàng là chưa đúng.

Xét về quy trình, để có thể tra thông tin CIC của khách hàng, việc cơ bản nhất là ngân hàng cần có thu thập thông tin cá nhân của khách, đồng thời cần làm rõ thêm về việc tra cứu có nằm trong mục đích phục vụ hoạt động ngân hàng hay không.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ngân hàng vô tình làm lọt, lộ thông tin cho cá nhân thứ 3, phát tán trên các trang mạng xã hội, là không đúng với quy định.

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, không chỉ là tra cứu thông tin CIC mà kể cả tra cứu thông tin tài khoản thanh toán, ngân hàng cũng không được phép. Bản thân nội bộ cán bộ ngân hàng cũng không được tra cứu tài khoản thanh toán, lịch sử giao dịch của khách hàng

CIC (được viết tắt của cụm từ Credit Information Center), hay còn được biết đến với tên gọi Trung tâm Thông tin Tín Dụng - một tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mọi thông tin về khoản vay, tên người vay, tổ chức vay, quá trình thanh toán tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ được cung cấp cho CIC.

Sau đó, trung tâm sẽ tiến hành tổng hợp, cập nhật chúng thành cơ sở dữ liệu thống nhất để phản ánh và cung cấp lịch sử tín dụng của từng đối tượng khách hàng là cá nhân hay tổ chức phù hợp.