1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ nhập 4,3 tỷ USD nhôm Trung Quốc: "Chưa đủ căn cứ nói gian lận xuất xứ"

(Dân trí) - "Sau thời gian dài điều tra, xác minh, đến giờ phút này chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp trữ nhôm trị giá hơn 4,3 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu gian lận xuất xứ", ông Lộc khẳng định.

Tại Họp báo chuyên đề về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu chiều 6/7, lãnh đạo các Cục của cơ quan Hải quan trả lời nhiều vấn đề nóng của ngành.

Vụ nhập 4,3 tỷ USD nhôm Trung Quốc: Chưa đủ căn cứ nói gian lận xuất xứ - 1

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan

Tại cuộc họp báo, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi về kết luận điều tra ban đầu vụ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị hải quan Mỹ cho rằng gian lận xuất xứ C/O Việt Nam đối với hàng hóa là thép nhập từ từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng, Cục Kiểm tra Sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết: "Có thể nói đến giờ phút này, chúng tôi đã kết thúc quá trình điều tra, vấn đề vi phạm về xuất xứ của doanh nghiệp này chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm".

Cục trưởng Cục Kiểm tra Sau thông quan cho biết: Vụ việc ban đầu thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, tập đoàn thép của Mỹ đã đề nghị Nhà nước Việt Nam phối hợp với công an Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra suốt từ năm 2017.

Tổng cục Hải quan đã thành lập lực lượng hỗn hợp của Cục Điều tra Chống buôn lậu và Cục Điều tra sau thông quan, điều tra, xác minh lại vụ việc một lần nữa.

Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay: Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các nhôm này do điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa thích hợp để xuất sang Mỹ. Do đó doanh nghiệp thực hiện sản xuất lại.

Vụ nhập 4,3 tỷ USD nhôm Trung Quốc: Chưa đủ căn cứ nói gian lận xuất xứ - 2

Cơ quan Hải quan cho biết chưa có căn cứ xác định số nhôm 4 tỷ USD Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ

"Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi đó, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với nội dung này, với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kể luận doanh nghiệp vi phạm (vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam)", ông Lộc nói.

Vị này cho biết, sắp tới sẽ có báo cáo lên Tổng cục Hải quan để Tổng cục Hải quan thông tin với Hải quan Mỹ về vụ việc.

Theo ông Lộc, về một số vấn đề vi phạm khác của doanh nghiệp, ví dụ như doanh nghiệp có bán một số thành phẩm theo chỉ định của khách hàng nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Cơ quan hải quan vất vả để điều tra nội dung này, theo quy định, hàng hóa của doanh nghiệp xuất bán trên thị trường nội địa doanh nghiệp phải mở tờ khai đối ứng và phải thu thuế. Tuy nhiên, họ không bán trong nội địa, nếu bán cơ quan hải quan sẽ vào cuộc", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, trước đây có thông tin doanh nghiệp tồn nhôm ước tính 4,3 tỷ USD, tuy nhiên theo ước tính của cơ quan hải quan, tổng số nhôm ước tính phải 5 tỷ USD.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm