Từ vụ lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD: Có vấn nạn “lẩn tránh thương mại” hay không?

(Dân trí) - Có rất nhiều suy luận quanh số liệu thương mại 9 tháng đầu năm, đặc biệt là khi nhập từ Trung Quốc và xuất sang Mỹ đều tăng mạnh. Vụ lô hàng nhôm 4,3 tỷ USD của Trung Quốc định “đội lốt” hàng Việt xuất đi Mỹ đã báo động nguy cơ lẩn tránh thương mại, song có vẻ như vẫn đang dừng ở mức độ “hiện tượng”.

Hàng Việt xuất Mỹ tăng mạnh gần 28% và nhập “khủng” từ Trung Quốc

Báo cáo tình hình xuất khẩu Việt Nam vừa được các chuyên gia SSI Research công bố cho hay, trong 9 tháng đầu năm nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh 27,9%, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng tưởng ở mức 10%.

Ngược lại, một số thị trường chính khác tăng rất thấp và thậm chí giảm như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hồng Kông, UAE.

Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Mỹ có mức tăng mạnh nhất trong 9 tháng qua, tương ứng 17,4% và 18,6%, tiếp theo là Đài Loan và EU.

Từ vụ lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD: Có vấn nạn “lẩn tránh thương mại” hay không? - 1

Lô nhôm Trung Quốc tính xuất sang Mỹ bị bắt tại Việt Nam làm dấy lên những lo ngại về tình trạng "đội lốt", "mượn đường"

Theo nhận định của chuyên gia SSI, xuất khẩu đi Mỹ tăng mạnh đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc giảm có thể được cho là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ảnh hưởng này dựa trên các suy luận như: Thứ nhất, hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, hàng Việt Nam tận dụng lợi thế thuế thấp để tăng thâm nhập vào thị trường Mỹ. Thứ ba, hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ ở lại thị trường nội địa gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện máy móc từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, thành phẩm sau đó xuất sang Mỹ. Và thứ năm, đây cũng là vấn đề đáng lưu ý nhất, đó là hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam lẩn tránh thuế tiến vào thị trường Mỹ.

Tại nguyên nhân thứ năm, thực tế đã được phát hiện trong một số trường hợp nhưng rất khó có thể phân tích dựa trên các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu được công khai.

Một ví dụ là lô nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại với giá trị lên tới 4,3 tỷ USD, trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng giá trị nhập khẩu “kim loại thường khác và sản phẩm từ kim loại thường khác” mới đạt 1,95 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 36% so với cùng kỳ - tức chưa phải mức quá đột biến.

Nhiều mặt hàng chủ lực xuất sang Mỹ tăng mạnh

Ngoài ra, các dữ liệu thống kê cũng cho thấy, giai đoạn 9 tháng đầu năm, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam, là mặt hàng xếp thứ 6 với giá trị xuất khẩu 7,52 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 17,9% cao nhất trong top 10 mặt hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu mặt hàng này đạt giá trị 1,87 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt 5,6 tỷ USD.

Đáng nói, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất, với giá trị 3,65 tỷ USD, chiếm tới 50% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sản xuất nên nhập khẩu gỗ của Việt Nam vẫn lớn và liên tục tăng dần trong các năm gần đây.

Trước năm 2016, ASEAN (chủ yếu là Lào và Campuchia) cung cấp hơn 50% nhu cầu nhập khẩu, tuy nhiên nhóm này giảm dần và Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tăng dần ở Trung Quốc, Mỹ, EU với tỷ trọng đạt 31%, 19%, 11,4% và đặc biệt nhập khẩu từ Châu Phi tăng mạnh trong năm 2019 chiếm 4,5% nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Xuất khẩu hàng dệt may có phần chậm lại, tăng 9,1% trong quý III so với mức tăng 10,4% trong 6 tháng 2019, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 24,6 tỷ USD, tăng 9,6% và lần đầu tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới 2 chữ số kể từ năm 2018.

Trong đó, ba thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản đều có mức tăng dưới 7% đã kéo giảm tăng trưởng chung. Nhìn một cách rộng hơn, trong 9 tháng 2019, tổng cầu dệt may thế giới đạt 476 tỷ USD, giảm nhẹ 0,81% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu hàng dệt may của một số quốc gia cạnh tranh đều tăng rất thấp và thậm chí giảm như Trung Quốc giảm 2,5%, Ấn Độ tăng 0,97%, Bangladesh tăng 4,57%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 1,29%, Indonesia tăng 4,15%. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một con số đáng khích lệ.

Xuất khẩu giày dép giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 12,9% trong 9 tháng, đạt tổng giá trị 13,25 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Mai Chi