1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công ty nhập lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD chỉ sản xuất 1/4 công suất thiết kế?

(Dân trí) - Nhập 2,44 triệu tấn nhôm nhưng đến nay công ty này mới chỉ xuất đi hơn 400.000 tấn, còn khoảng 1,8 triệu tấn đang nằm chờ gần 3 năm nay. Trong khi đó, số nhôm nguyên liệu vào sản xuất chỉ đạt hơn 48.000 tấn, bằng 1/4 công suất thiết kế của nhà máy.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu - công ty được cho là nhập lượng nhôm 1,8 triệu tấn từ Trung Quốc sau đó khai hàng Việt xuất đi Mỹ bất thành từ năm 2015 đến nay đã nhập tổng số 2,44 triệu tấn nhôm, đều khai là nhôm nguyên liệu. 

Tuy nhiên, điều đáng nói tính đến nay, doanh nghiệp này mới chỉ xuất đi 400.000 tấn, còn hơn 2 triệu tấn đang ở Việt Nam và một số ít được đưa vào sản xuất.

Công ty nhập lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD chỉ sản xuất 1/4 công suất thiết kế? - 1

Kho nhôm chờ xuất đi Mỹ bất thành nằm bất động từ cuối năm 2016

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính trung bình hàng năm công ty nhập khẩu 488.000 tấn/năm (5 năm), trong khi đó xuất khẩu chỉ 80.000 tấn/năm (bằng 16,3% lượng nhập khẩu hàng năm, bằng 40% năng lực so với công suất thiết kế). 

Riêng hoạt động nhập khẩu đã giảm hẳn trong năm 2019, tính đến 30/9/2019, lượng nhập khẩu là hơn 64.435 tấn, tương đối phù với lượng sản phẩm xuất khẩu trung bình hàng năm mà hải quan nắm được.

Như vậy, theo tính toán, với số nhôm 1,8 triệu tấn còn tồn đọng tại cảng biển, trong 5 năm, Công ty nhôm Toàn Cầu mới chỉ đưa vào sử dụng hơn 240.000 tấn, mỗi năm khoảng 48.000 tấn nhôm/năm.

Trích lục hồ sơ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng (217 triệu USD) đầu tư năm 2011 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công ty này có thời hạn hoạt động 37 năm tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2011. Nhà máy có dung tích thiết kế khoảng 200.000 tấn nhôm chủ yếu là để dành cho xuất khẩu. 

Tuy nhiên, dựa theo thông tin mà Tổng cục Hải quan cung cấp, thì việc chỉ đưa vào sản xuất 48.000 tấn/năm, thì công suất hoạt động của nhà máy này chỉ bằng 1/4 (24%) công suất thiết kế.

Đây là cơ sở cho thấy doanh nghiệp này không chú tâm vào hoạt động chế biến, chế tạo thành phẩm các loại nhôm xuất khẩu, có cơ sở cho thấy hoạt động doanh nghiệp là nhập khẩu nhôm từ nước khác về Việt Nam và khai C/O, xuất đi nước thứ 3.

Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ông Nguyễn Văn Cẩn nói: “Chúng tôi đã phát hiện ra và ngăn chặn không để số nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chứ không thu giữ, doanh nghiệp có quyền tiêu thụ ở Việt Nam, nhưng phải nộp các loại thuế đầy đủ”.

Một đại diện khác của Tổng cục Hải quan cho biết, số nhôm 1,8 triệu tấn trên khó có thể tiêu thụ được ở Việt Nam vì dung lượng thị trường Việt Nam nhỏ. Trong khi đó, nếu muốn tiêu thụ phải đóng thuế đầy đủ, trong đó có nhiều mã HS khác nhau và cách tính thuế khác nhau.

Theo thông báo đưa ra sáng nay (4/11), Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính tại KCN Mỹ Xuân B1 – Conac, Phường Mỹ Xuân, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu là doanh nghiệp chế xuất, do đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế  XNK số 107/2015/QH13 ngày 06/04/2016, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016. 

Theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, Điều 80 Thông tư số 38/2015/TT-BTC gồm: Công ty Cảng DV dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (bãi Công ty PTSC, bãi TH Thị Vải), Công ty TNHH dịch vụ kho vận PTL, Công ty CP Thành Chí.

Hiện nay, Công ty nói trên vẫn đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD. 

Hải quan cho biết, nhôm nguyên liệu nói trên được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Úc, Nga, Mexico, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Singapore và Mỹ… 

Công tác giám sát hàng hóa thuê tại kho bãi ngoài của công ty nói trên được Chi cục giám sát tại Bà Rịa - Vũng Tàu chặt chẽ bằng hình thức camera giám sát tại cổng ra vào và toàn bộ khu vực bãi, bãi thuê có tường rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài, có cán bộ công chức tuần tra, giám sát thường xuyên.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm