1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vụ mua gạo dự trữ: Yêu cầu chuyển hồ sơ sai phạm sang Bộ Công an

(Dân trí) - "Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật" - Bộ Tài chính cho biết.

Tối nay (7/5), Bộ Tài chính phát đi thông cáo liên quan đến kết quả kiểm tra việc mua gạo dự trữ quốc gia 4 tháng đầu năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Vụ mua gạo dự trữ: Yêu cầu chuyển hồ sơ sai phạm sang Bộ Công an - 1

Bộ Tài chính yêu cầu chuyển sai phạm của 7 cục Dự trữ Nhà nước sang cơ quan điều tra, Bộ Công an

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng giao về việc mua số gạo 190.000 tấn năm 2020, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã mở thầu bán gạo dự trữ ngày 12/3/2020.

Tổng cộng có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn. Tuy nhiên, hết thời hạn phải ký hợp đồng, có 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn; chỉ có 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn.

Kiểm tra tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục dự trữ nhà nước, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cho biết có 7/22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng với qui định.

Các cục dự trữ Nhà nước khu vực sai phạm này là Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.

Bộ Tài chính khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm.

"Bộ Tài chính đã tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước đã cho gửi hàng vào kho dự trữ Nhà nước trái quy định; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các Cục Dự trữ Nhà nước và Chi cục có liên quan đến các sai phạm” - thông báo nêu rõ. 

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết đã yêu cầu đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo Đoàn kiểm tra, trong danh sách 28 doanh nghiệp trúng thầu được Bộ Tài chính nêu, có 8 doanh nghiệp có số gạo trúng thầu/mỗi doanh nghiệp đều lớn hơn 10.000 tấn. Tuy nhiên, 8 doanh nghiệp này đều không ký hợp đồng giao bán gạo sau đó.

Cụ thể: Công ty Cổ phần lương thực Hà Tĩnh không bán hơn 17.800 tấn, Công ty Cổ phần lương thực Cao Lạng 14.800 tấn; Công ty Cổ phần lương thực Hà Nam Ninh không bán số gạo trúng thầu lớn nhất 27.640 tấn; Công ty Cổ phần thương mại Minh Khai hơn 21.300 tấn; Công ty TNHH Phát Tài 17.900 tấn; Công ty TNHH thương mại Chương Tho 13.600 tấn; Công ty Cổ phần XNK lương thực Thành Sang 13.700 tấn và Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam hơn 11.900 tấn.

Bộ Tài chính cho biết thêm: Đối với các nhà thầu từ chối ký hợp đồng, các Cục dự trữ Nhà nước khu vực đã nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền hơn 27,8  tỷ đồng - tiền đảm bảo dự thầu của nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm