1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hải quan nghi vấn, bất ngờ kiểm tra DN "bùng" bán gạo dự trữ để xuất khẩu

(Dân trí) - Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: Đang kiểm tra doanh nghiệp không bán gạo cho Dự trữ quốc gia để đem xuất khẩu.

Cụ thể, ông Cẩn thông tin: trong danh sách 27 doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước, có nhiều doanh nghiệp không bán.

Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp cùng tên. "Chúng tôi đang cho kiểm tra doanh nghiệp xem đúng doanh nghiệp đó hay chỉ trùng tên", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói với Dân Trí.

Hải quan nghi vấn, bất ngờ kiểm tra DN bùng bán gạo dự trữ để xuất khẩu - 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan

Trước đó, chia sẻ với báo giới và truyền thông, Tổng cục trưởng Cẩn khẳng định: Không có việc doanh nghiệp mở được tờ khai "thân" với lãnh đạo Tổng cục Hải quan như đồn đoán. Đồng thời, không có chuyện các Cục, Chi cục Hải quan địa phương “phím” trước thông tin.

Theo ông Cẩn, hệ thống hải quan điện tử tự động, việc khai báo của doanh nghiệp hoàn toàn tự động, 24h/7 ngày, không phân biệt là 0h sáng hay chỉ làm giờ hành chính.

“Chính phủ họp và Bộ Công Thương có quyết định cho xuất trở lại, thông tin này đã được báo chí truyền tải tức thì, rộng rãi. Tổng cục Hải quan cũng mở hệ thống tự động từ 0 giờ ngày 12/4, doanh nghiệp làm xuất khẩu nhiều rồi đều biết khai báo 24/7, không kể 0h sáng. Việc các doanh nghiệp nói không nắm được thông tin là do họ bị động, không phải do Hải quan”, ông Cẩn cho biết.

Cũng theo ông Cẩn, không có chuyện công chức Hải quan can thiệp, nguyên tắc trừ lùi hạn ngạch và đến khi đến hết hạn ngạch sẽ tự động dừng.

Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, việc mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo vừa qua được thực hiện hoàn toàn tự động trên hệ thống điện tử, không có sự tác động của công chức Hải quan, không có dấu hiệu trục lợi ở đây.

Lãnh đạo Hải quan đề xuất hướng giải quyết vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay có thể theo hướng đấu thầu hạn ngạch.

"Để minh bạch trong xuất khẩu gạo thứ nhất tôi đề nghị yêu cầu đủ lượng gạo dự trữ cho an ninh lương thực rồi mới xuất khẩu. Thứ hai là cần hạn ngạch hoặc làm trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan, nhưng khống chế lượng tờ khai tối đa là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ cập nhật 1 tiếng một lần trên Website hải quan về số lượng doanh nghiệp này", Tổng cục trưởng Cẩn cho biết.

Theo thông tin, số doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi doanh nghiệp lớn. Lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn, chiếm gần 1/4 hạn ngạch xuất khẩu.

5 doanh nghiệp xuất khẩu lớn còn lại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn… Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty CP Hiệp lợi, Công ty TNHH Phát tài, Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000 - 17.000 nghìn tấn…

Nguyễn Tuyền