Vụ “Cưỡng chế hơn 3.000 tấn càphê”: Bảo vệ các ngân hàng xô xát giành quyền kiểm soát kho hàng
Chiều 6.12, tại kho càphê của Công ty Trường Ngân (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã xảy ra vụ xô xát giữa một số bảo vệ của các ngân hàng nhằm chiến quyền kiểm soát cửa kho hàng để tranh số càphê còn lại trong kho.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Chuẩn bị khai thác tạm thời tuyến cao tốc TPHCM - Dầu Giây NĐT ngoại phản ánh ngành cà phê cạnh tranh không công bằng |
Ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 6.12, khi vào sâu bên trong kho thì càng lộ ra thêm nhiều bao tải lớn chứa tạp chất như tro trấu, đất đá, sỏi nhỏ cỡ như hạt càphê….
Trao đổi với phóng viên ngày 6.12, ông Hồ Quý Sơn - Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TX.Dĩ An - cho biết: Từ ngày 3-5.12 đã cưỡng chế vận chuyển được hơn một nửa “kho càphê” Công ty Trường Ngân với số lượng 679 tấn thì phát hiện đến 261 tấn là vỏ càphê và tạp chất. Số càphê hạt chỉ là 417 tấn.
Ông Hồ Quý Sơn cho biết thêm: Tài sản Trường Ngân thế chấp cho OCB theo hợp đồng thế chấp là 3.360 tấn. Sau khi cưỡng chế, Chi cục Thi hành án thuê kho để lưu giữ, trong 30 ngày nếu các ngân hàng khác tranh chấp thì có quyền khởi kiện lên tòa án để bảo vệ quyền lợi của họ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, qua xác minh với TAND quận 4 (TPHCM) về việc tranh chấp 3.360 tấn càphê, thẩm phán Trần Minh Châu trả lời: Hiện tại, tòa án thụ lý 3 đơn khởi kiện của 3 ngân hàng gồm Kỹ Thương, Quốc tế và Hàng hải. Nội dung khởi kiện hàng thế chấp luân chuyển và tranh chấp đất đai.
Còn về tranh chấp 3.360 tấn càphê của Ngân hàng OCB mà Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An đang thi hành, TAND quận 4 khẳng định không có liên quan với các ngân hàng khác. “Việc Chi cục Thi hành án dân sự của thị xã Dĩ An đang tiến hành là đúng trình tự thủ tục sau khi một bản án có hiệu lực” - ông Sơn khẳng định.
Đại diện Viện KSND thị xã Dĩ An - trực tiếp giám sát công tác cưỡng chế thu hồi tài sản “kho càphê” - cho biết: “Qua kiểm đếm đã cho thấy kho càphê của Công ty Trường Ngân lộ diện nhiều khuất tất, trong đó phải kể đến hàng trăm tấn tạp chất được cất giấu trong sản phẩm càphê hạt. Liên quan đến 7 ngân hàng, vị đại diện Viện KSND này còn cho hay, cần phải làm rõ trách nhiệm công tác thẩm định trước khi cho vay của từng ngân hàng.