Vụ Công ty chứng khoán chèn ép lao động: Sẽ dùng biện pháp mạnh

(Dân trí) - Đến hết tháng 3, nếu công ty CP Chứng khoán Woori không trả bằng và tiền cho người lao động (NLĐ), Sở LĐTB & XH sẽ báo cáo với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức cưỡng chế hành chính và chuyển hồ sơ có liên quan sang cơ quan Công an.

Trước đó, Dân trí đã có bài phản ánh về việc nhiều nhân viên từng làm việc tại Công ty Cổ phần chứng khoán Woori CBV (14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị Công ty này giữ bằng đại học gốc và số tiền lương đặt cọc sau khi ngừng công tác. Khi Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội vào cuộc, phía Công ty này đã không hợp tác với đoàn thanh tra. 

Tại buổi làm việc liên ngành thành phố về đề xuất biện pháp xử lý đối với Công ty cổ phần chứng khoán Woori CBV giữ bằng tốt nghiệp đại học và thu tiền đặt cọc của người lao động sáng 19/3/2012, ông Lê Toàn Khang, PGĐ sở LĐ - TB & XH cho biết, mặc dù đã có kết luận của Sở LĐTB & XH Hà Nội về những vi phạm của công ty trong việc giữ bằng gốc và tiền đặt cọc của NLĐ, nhưng trong gần nửa năm công ty vẫn phớt lờ, không trả bằng cũng như tiền cho NLĐ.

Nhiều lần Sở LĐTB &XH Hà Nội tổ chức họp bàn về các giải pháp giải quyết và đã gửi giấy mời tới công ty Woori nhưng phía công ty không những không đến dự mà còn tỏ thái độ bất hợp tác khi đoàn thanh tra của Sở đến làm việc.  

Cho đến thời điểm này, theo phản ánh của 11 lao động đã từng làm việc tại Woori 1- 2 năm trước vẫn bị giữ bằng gốc hoặc tiền mặt dù đã bàn giao đầy đủ công việc. Chị Nguyễn Thị Nga, ở Cầu Giấy Hà Nội, chấm dứt làm việc tại  Woori từ 10/2/2011 nhưng số tiền đặt cọc 12 triệu vẫn chưa được thanh toán. Chị Dương Thị Tố Linh vẫn bị “giam” 10 triệu đặt cọc dù đã không còn làm việc từ hơn 1 năm trước.

Theo ông Lê Hữu Long, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTB & XH, để giải quyết dứt điểm vụ việc của công ty CP Chứng khoan Woori, Sở LĐTB & XH Hà Nội căn cứ vào Nghị định 37/2005/NĐ –CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ báo cáo với UBND Thành phố tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Liên quan đến việc giữ bằng đại học của NLĐ, ông Long nhấn mạnh, NLĐ và Sở LĐTB & XH cần phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra để có biện pháp xử lý.

“Công ty CP Chứng khoán Woori giữ bằng đại học (bản chính) của NLĐ là trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc Công ty thu tiền đặt cọc của NLĐ để ràng buộc quan hệ lao động là trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp, việc đặt cọc của NLĐ với người sử dụng lao động liên quan đến trách nhiệm dân sự, tài chính phải được thể hiện bằng một hợp đồng dân sự, nếu có phát sinh tranh chấp đề nghị các bên có đơn ra Tòa để được xem xét giải quyết”-  ông Long nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Long, ông Đặng Đình thuần - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho rằng, trong trường hợp cần thiết người lao động có đơn lên Tòa án để được xem xét giải quyết

 Thanh Trầm