Vụ chồng ca sĩ Thu Minh bị tố "quỵt nợ": Doanh nghiệp Việt yếu thế vì "khát" đơn hàng

(Dân trí) - Cần đơn hàng để duy trì sản xuất, cả tin và không chú trọng tìm hiểu hợp đồng trước khi kí… không ít doanh nghiệp Việt đang đặt mình vào “ngưỡng” thiếu an toàn khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Đó là những điểm yếu được các luật sư, chủ doanh nghiệp chỉ ra sau vụ việc hàng chục doanh nghiệp gỗ tố công ty chồng của ca sĩ Thu Minh "quỵt nợ".

“Lỗ” ngay từ khi kí hợp đồng (!?)

Chiều qua (24/8), Hiệp hội Chế biến Gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp (DN) thành viên để chia sẻ bài học từ vụ tranh chấp giữa công Gia Hân và Global Home. Đây là lần đầu tiên, HAWA lên tiếng dù Gia Hân không phải là thành viên của mình.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA cho biết, từ câu chuyện của Global Home, Hiệp hội đã tiến hành thu thập ý kiến của các DN trong ngành và phát hiện, đây không phải là số ít. Hiện có đến hơn 20 DN chung số phận với Gia Hân. Làm thế nào để một DN nước ngoài như Global Home có thể gây nên những tranh chấp có hệ thống và cùng chung một cách thức như vậy?

Luật sư Nguyễn Thanh Truyền, Công ty luật Thiên Thanh nhận định: “Sau khi tìm hiểu hồ sơ các DN, điều dễ thấy nhất là sự bất lợi của họ khi kí kết hợp đồng. Đơn cử, trường hợp Global Home với các DN Việt Nam, tất cả DN đều đồng ý kí vào thỏa thuận rằng khi có tranh chấp, tài phán là Trung tâm trọng tài Hồng Kông, luật Vương Quốc Anh”. Với thỏa thuận này thì khi có tranh chấp, thiệt hại lớn thuộc về DN Việt, bởi thời gian, công sức lẫn tiền bạc để thuê luật sư đắt đỏ, có khi ngang bằng hoặc hơn cả số tiền thắng kiện.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco khẳng định: “Bất kể ra tòa án quốc tế nào, cứ vướng vào chuyện này là đã thiệt cho DN Việt vì chi phí để theo vụ kiện rất đắt đỏ. Ngay cả khi thắng kiện thì việc thi hành án cũng không đơn giản. Việt Nam có Trung tâm trọng tài quốc tế từ năm 1993 nhưng ít DN Việt biết và tận dụng”.


Sản xuất gỗ, ngành xuất khẩu mang lại giá trị gần 7 tỷ USD trong năm 2015 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất yếu thế khi làm ăn với nước ngoài. (Ảnh: Phương Quyên).

Sản xuất gỗ, ngành xuất khẩu mang lại giá trị gần 7 tỷ USD trong năm 2015 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rất yếu thế khi "làm ăn" với nước ngoài. (Ảnh: Phương Quyên).

Theo ông Mạnh, phần lớn, DN Việt thường ở quy mô vừa và nhỏ, lại phải nuôi nhân công nhiều nên có đơn đặt hàng xuất khẩu là đã rất mừng, vì lượng đơn hàng này thường khá lớn. Do đó, lợi thế đàm phán của DN Việt là gần như không có. “Làm ăn với nước ngoài, thực tế là DN Việt đọc hợp đồng với các điều khoản là đã “choáng”, họ thường bỏ qua các tiểu tiết, chỉ chú ý đến giá bán, thời gian, cách thức giao hàng”, ông Mạnh phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho biết, ông đã từng tiếp xúc nhiều DN đến lúc có tranh chấp mới bắt đầu lục lại hợp đồng để nhờ xem xét. DN nước ngoài rất cẩn trọng và khôn ngoan trong việc dùng từ ngữ để tạo nên những điều khoản có lợi nhất cho mình. Kí vào hợp đồng theo mẫu của họ, DN Việt xem như đã yếu thế hơn hẳn.

“Thực tế thì DN Việt không có thói quen sử dụng tư vấn pháp lý trước kí kết. Khi có tranh chấp mới bắt đầu tìm hiểu. Điều này rất khó giải quyết cũng như giành lợi thế cho mình”, ông Hưng tư vấn.

Không thoát được “guồng” sản xuất

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Nguyên Chủ tịch Hawa, Giám Đốc Công ty Liên doanh Scansia Pacific cho biết, DN của ông tham gia xuất khẩu từ năm 1980 đến nay, tổng thiệt hại do làm ăn với đối tác nước ngoài cũng không dưới 5 triệu USD. Đó là những bài học đắt giá.

“Cung nhiều, cầu ít, lợi thế của DN Việt Nam trên bàn đám phán với nước ngoài không nhiều”, ông Thắng nhìn nhận.


Nếu chưa xác định được đối tác, chỉ nên dành 30% sức sản xuất cho một đối tác, để không rơi vào thế bị động khi hợp tác không êm đẹp.

Nếu chưa xác định được đối tác, chỉ nên dành 30% sức sản xuất cho một đối tác, để không rơi vào thế bị động khi hợp tác không êm đẹp.

Trên thực tế, các DN xuất khẩu đều chỉ nhận tiền cọc sau khi kí đơn hàng còn tiền thanh toán cho đơn hàng đó lại chỉ nhận được sau khi hoàn tất giao hàng 30 đến 60 ngày sau đó. Điều đáng chú ý là vừa hoàn tất đơn hàng này sẽ lại có đơn hàng mới, khiến guồng đặt hàng trở thành việc gối đầu từ đơn hàng này sang đơn hàng khác. Đơn hàng đầu chưa nhận được thanh toán đã phải lao vào sản xuất cho đơn hàng tiếp theo.

“Nhiều người bảo rằng sao Gia Hân hay các DN khác không dừng cung cấp sản phẩm, để thiệt hại ngày một nhiều thêm. Guồng sản xuất đã chạy thì dừng sao được. Dừng một đơn hàng nghĩa là dừng cả dây chuyền”, ông Nguyễn Liêm, chủ DN Lâm Việt chia sẻ.

Ông Xuân Tân, Trưởng phòng kinh doanh, đàm phán quốc tế Công ty gỗ Hạnh Phúc đồng tình: “DN Việt Nam cũng đã mắc phải những vướng mắc khi giao dịch với DN nước ngoài. Chúng ta quá nhỏ để đàm phán, cứ phải chấp nhận luật hoặc ra khỏi cuộc chơi”. Công ty Hạnh Phúc đã từng làm với Global Home nhưng đã quyết định ngưng hợp tác 1 năm nay. “Chúng tôi quyết định dừng hợp đồng khi có những dấu hiệu không minh bạch nên thiệt hại hàng trong kho chỉ vài nghìn USD. Trước áp lực phải có đơn hàng, không phải DN nào cũng có thể làm được điều này”, ông Tân nói.

Không chỉ sâu sát trong từng diễn tiến của hợp đồng để kịp thời điều chỉnh, theo ông Nguyễn Liêm, nếu chưa xác định được đối tác, chỉ nên dành 30% sức sản xuất cho một đối tác, để không rơi vào thế bị động khi hợp tác không êm đẹp. “Cần nhất là việc chia sẻ thông tin. Đã đến lúc, DN Việt cần có văn hóa chia sẻ thông tin giữa các DN với nhau để có thể kịp thời xử lý khi có sự cố”, ông Nguyễn Chiến Thắng khẳng định.

Phương Quyên