1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vốn đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam giảm 81% trong 2014

(Dân trí) - Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên số dự án đầu tư mới của Nhật Bản trong ngành sản xuất năm 2014 vẫn giảm cả về số dự án và vốn đầu tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Thông tin từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây vừa công bố kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm 2014” và báo cáo “Tổng quan về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (năm 2014)”.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện JETRO tại TPHCM cho biết, kết quả khảo sát cho thấy 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác và cho thấy Việt Nam tiếp tục được coi là địa điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Yasuzumi Hirotaka khẳng định, doanh nghiệp Nhật Bản luôn tôn trọng pháp luật, hoạt động kinh doanh cởi mở và công bằng, hướng tới phát triển cùng xã hội Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam.

Về thuận lợi trong môi trường đầu tư, Việt Nam được xếp thứ 4 trên tổng số 15 quốc gia về chi phí nhân công rẻ và hơn một nửa số doanh nghiệp cũng đánh giá cao tình hình chính trị, xã hội ổn định của Việt Nam.

Ông Yasuzumi Hirotaka cho biết, tuy một số rủi ro trong đầu tư mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải đối mặt đã được cải thiện, nhưng rủi ro lớn nhất tại Việt Nam về “hệ thống pháp luật” vẫn còn tồn tại. Hơn một nửa số doanh nghiệp nhìn nhận “chi phí nhân công tăng cao”, “thủ tục hành chính”, “thủ tục thuế” là những vấn đề cần phải được nhanh chóng cải thiện.

Về tình hình cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 33,2%, tăng 1% so với năm 2013, cao hơn Philippines (28,4%), nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (66%), Thái Lan (55%), Indonesia (43%), Malaysia (41%).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt chi phí, ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng cần tăng thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức như: cho vay lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực.

Về kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế, khoảng 70% doanh nghiệp hy vọng “đơn giản hóa thủ tục thông quan” và mong rằng vấn đề này được cải thiện nhiều hơn.

Đây là cuộc khảo sát lần thứ 28 được JETRO thực hiện, diễn ra vào tháng 10 và 11/2014, dưới hình thức phiếu điều tra. Đối tượng khảo sát là 10.078 doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4.767 DN đã đưa ra trả lời hợp lệ, riêng tại Việt Nam có 458 doanh nghiệp.

Mục đích của khảo sát nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư sao cho hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại các khu vực này trở nên thuận lợi hơn.

Trong năm 2014, số vốn đầu tư bổ sung của Nhật Bản tại Việt Nam giảm 81% so với năm trước, số dự án đầu tư mới của Nhật Bản trong ngành sản xuất giảm cả về số dự án và vốn đầu tư. Các dự án đầu tư mới từ Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu vẫn là các dự án quy mô vừa và nhỏ, trong đó dự án dưới 5 triệu USD chiếm 85%.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”