Vợ chồng nữ đại gia Chu Thị Bình lộ tham vọng lớn sau cú bắt tay với ông Trương Gia Bình

(Dân trí) - Bắt tay hợp tác chiến lược với FPT của ông Trương Gia Bình, “vua tôm” Lê Văn Quang đã không giấu tham vọng cực lớn đó là nắm tới 25% thị phần tôm toàn thế giới.

Công bố trong sự kiện ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược và hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với Tập đoàn FPT mới đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Thuỷ sản Minh Phú đã công bố mục tiêu đến năm 2045 sẽ đạt 25% thị phần tôm thế giới.

Bản thân “vua tôm” Việt cũng đánh giá đây là một tham vọng cực kỳ lớn của bản thân và Minh Phú chỉ đạt được đúng thời gian đề ra nếu thực sự tạo được đột phá.

Dù đây là một thông tin tích cực và ảnh hưởng lớn đến bức tranh sản xuất kinh doanh sắp tới song trước thông tin trên, cổ phiếu MPC của Minh Phú trên thị trường UPCoM vẫn chỉ đứng giá 21.500 đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu FPT tăng mạnh 1.100 đồng tương ứng 1,95% lên 57.500 đồng, thanh khoản cao gấp đôi bình quân giao dịch của các phiên trước đó, đạt hơn 1,6 triệu đơn vị.

Vợ chồng nữ đại gia Chu Thị Bình lộ tham vọng lớn sau cú bắt tay với ông Trương Gia Bình - 1

Vợ chồng "vua tôm" Lê Văn Quang - Chu Thị Bình

Thị trường chứng khoán ngày hôm qua nhìn chung diễn ra giằng co, căng thẳng. Tuy vậy, hai chỉ số chính vẫn đạt được trạng tăng đáng khích lệ.

VN-Index tăng 2,04 điểm tương ứng 0,21% lên 960,92 điểm; HNX-Index tăng 0,48 điểm tương ứng 0,47% lên 102,93 điểm. Trên sàn UPCoM, ngược lại chỉ số giảm 0,15 điểm tương ứng 0,27% còn 55,6 điểm.

Thanh khoản được đẩy mạnh hơn trong phiên chiều và đưa khối lượng giao dịch trên HSX lên con số 238,31 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 4.002,41 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện mạnh lên 27,81 triệu cổ phiếu tương ứng 240,04 tỷ đồng. UPCoM có 5,3 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng 86,86 tỷ đồng.

Điểm tích cực là độ rộng thị trường nghiêng khá rõ rệt về phía các mã tăng giá. Theo thống kê, có tất cả 320 mã tăng, 39 mã tăng trần so với 283 mã giảm và 38 mã giảm sàn.

Trong khi đó, cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn tiếp tục phân hoá. Nếu MSN, BID, MWG, GAS tăng và đóng góp tích cực cho VN-Index thì chiều ngược lại, VNM, BVH, VCB, VRE lại giảm. Thị trường thiếu vắng sự dẫn dắt của những mã “đầu tàu” nhưng cũng không bị chi phối, kéo sụt bởi một số mã cụ thể nào.

Hôm qua, nhóm cổ phiếu FLC bị chốt lời và giảm điểm đồng loạt dù thanh khoản vẫn ở mức cao. ROS được khớp lệnh gần 32 triệu đơn vị nhưng vẫn giảm 550 đồng; FLC khớp 14,4 triệu cổ phiếu và giảm xuống mức giá 4.880 đồng/cổ phiếu. HAI, AMD giảm sàn.

Ngược lại, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện “bắt đáy” CTD và HBC. Sau chuỗi giảm dài trước đó, CTD tăng 2.400 đồng lên 55.500 đồng/cổ phiếu còn HBC được mua mạnh và tăng trần lên 10.700 đồng khi mức giá cổ phiếu này đã chạm mệnh giá trong ngày 24/12.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay (26/12), Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co tại vùng kháng cự 960,7-961,5 điểm trong phiên kế tiếp. Chỉ số cần vượt qua vùng cản này để xác nhận cho khả năng hướng đến vùng cận trên của kênh giá đi ngang hiện tại tương ứng 968-972 điểm.

Theo dự báo của BVSC, diễn biến thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Mặt khác, BVSC tiếp tục lưu ý rằng, giai đoạn cuối năm là thời điểm các quỹ sẽ thực hiện chốt NAV và không loại trừ khả năng thị trường sẽ có biến động mạnh trong các phiên cuối tuần.

Trong khi đó, theo đánh giá của Công ty chứng khoán VDSC, xu hướng tích cực vẫn đang diễn ra trên thị trường, tuy nhiên chủ yếu là các mã tăng riêng lẻ chứ không có sự lan tỏa đồng đều.

Các nhà đầu tư lướt sóng được khuyến nghị có thể tham gia ở mức độ giải ngân nhẹ và nên thận trọng trong những ngày cuối niên khóa 2019. Đồng thời cần tránh xa các mã cổ phiếu đã có sự tăng trưởng nóng trong thời gian qua.

Mai Chi