Vnsteel muốn "rút chân" khỏi khoản bảo lãnh vay 1.864 tỷ đồng cho gang thép Thái Nguyên
(Dân trí) - Tổng công ty Thép đã đề nghị Vietinbank giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay vốn dài hạn dự án của TISCO cho dự án gang thép Thái Nguyên tại Vietinbank.
Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) vừa có báo cáo cập nhật tình hình triển khai "Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương". Trong số 12 dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả thì có 2 dự án thuộc Vnsteel.
Cụ thể, đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, Vnsteel cho biết vẫn vướng mắc rất lớn khi xem xét phê duyệt phương án thoái vốn, đó là khoản bảo lãnh 1.864 tỷ đồng tại Vietinbank.
Vnsteel cho biết, trong quá trình triển khai dự án, để vay vốn tại Vietinbank cho dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Tổng công ty đã có văn bản số 73 ngày 22/1/2010 bảo lãnh khoản vay giá trị 1.864 tỷ đồng tại Vietinbank.
Năm 2014, HQT đã báo cáo Bộ Công Thương về vấn đề này và đã yêu cầu TISCO chuyển đổi hình thức bảo đảm bằng tài sản để thay thế.
Ngày 5/1/2018, Tổng công ty cũng đã có văn bản số 32 gửi Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai phương án thoái vốn của Vnsteel tại TISCO. Trong đó có báo cáo trường hợp phát sinh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay của TISCO đặc biệt khi tỷ lệ vốn của TISCO giảm xuống còn 21,5% sau khi thoái vốn xong.
Đến ngày 15/1/2018, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đã báo cáo Bộ trưởng Công Thương việc Tổng công ty đang giai quyết vấn đề liên quan đến cam kết bảo lãnh nói trên.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép cũng cho biết, tại cuộc làm việc mới đây với Vietinbank, Tổng công ty đã đề nghị ngân hàng này giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay vốn dài hạn dự án tại Vietinbank. Theo đó sẽ thay thế bằng hình thức bảo đảm bằng thế chấp quyền khai thác mỏ quặng sắt Tiến Bộ, tài sản/quyền tài sản khác của TISCO phù hợp với giá trị cần đảm bảo theo quy định của Vietinbank.
Về phía Vietinbank, ngân hàng này đề nghị Tổng công ty khẩn trương thực hiện hoàn thành việc thoái vốn tại TISCO theo đúng phương án đã được các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công Thương) chấp thuận.
Đây sẽ là cơ sở để Vietinbank thực hiện các thủ tục giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay dài hạn của Tisco cho dự án.
TISCO đã cung cấp hồ sơ cho Vietinbank và hai bên đang trao đổi ý kiến về bản dự thảo Hợp đồng thế chấp quyền tài sản số 01/2018/HĐBĐ/NHCT106-TISCO do Vietinbank dự thảo. Hiện TISCO đã thực hiện định giá mỏ than Phấn Mễ, Mỏ sắt Tiến Bộ để có cơ sở làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng bão lãnh.
Được biết nay nay, Tổng công ty Thép Việt Nam đã xây dựng phương án thoái vốn tại TISCO và Tổng giám đốc đã trình Hội đồng quản trị. Tổng công ty cũng đang khẩn trương thông qua HĐQT xem xét phê duyệt phương án để thoái vốn của Vnsteel tại TISCO trong quý I/2018.
Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế.
Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỷ đồng. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu MCC, dự án đã tăng vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.014 tỷ đồng. Dự án dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5/2011 nhưng đến nay vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến Công ty Gang thép Thái Nguyên tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II của công ty này cũng đã được Thanh tra Chính phủ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ.
Nguyễn Khánh