1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp tuần qua:

VNG, Gojek có biến động; ngóng tin mới công ty Cường "Đô La"

Mai Chi

(Dân trí) - Hai kỳ lân là Gojek và VNG gây chú ý tuần qua khi Gojek Việt Nam dừng hoạt động còn VNG công bố quyền tổng giám đốc. QCG gây sốt cuối tuần, cổ đông chờ tin liên quan Vạn Thịnh Phát.

VNG có quyền tổng giám đốc mới thay ông Lê Hồng Minh

Theo thông tin từ VNG, ông Kelly Wong, Phó tổng giám đốc VNG, sẽ đảm nhiệm cương vị quyền Tổng giám đốc , đảm bảo các hoạt động của VNG tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả. Ban giám đốc VNG sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly trên cương vị mới.

Trước đó, ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và là Tổng giám đốc của VNG. Còn ông Kelly Wong là Phó tổng giám đốc Khối Trò chơi trực tuyến tại VNG.

Ông Kelly từng chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động liên quan đến mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến, đồng thời là người đưa ra những chiến lược và định hướng phát triển kinh doanh cho toàn bộ VNG.

Liên quan tới các thông tin về việc lực lượng công an đến trụ sở Công ty cổ phần VNG để thanh tra đột xuất vào sáng 6/9, phía công ty đã có thông tin cập nhật sự việc. VNG cho biết công ty cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan.

 VNG, Gojek có biến động; ngóng tin mới công ty Cường Đô La - 1

Nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh (Ảnh: Bloomberg).

"Cho tới thời điểm hiện tại, các hoạt động kinh doanh và vận hành của VNG vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty vẫn đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng", VNG khẳng định.

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai "bung nóc"

Phiên giao dịch 6/9, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai khép lại phiên giao dịch trong sắc tím với thanh khoản gấp đôi ngày liền trước. Trong khi đó, sàn giao dịch HoSE "xanh vỏ đỏ lòng" với việc VN-Index hồi phục tăng 5,75 điểm tương ứng 0,45% lên 1.273,96 điểm nhưng có tới 212 mã giảm so với 192 mã tăng.

Diễn biến khởi sắc của cổ phiếu QCG trong bối cảnh 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai trong vụ án Vạn Thịnh Phát sắp được "định đoạt" khi thời gian xét xử đã được ấn định.

Cụ thể, ngày 6/9, TAND TPHCM thông tin, từ ngày 19/9 đến 19/10 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2. Trước đó, giữa tháng 4, Quốc Cường Gia Lai bị tuyên phải trả lại 2.882 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan để nhận lại các hồ sơ dự án Phước Kiển. Quốc Cường Gia Lai đã có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.

Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam

Gojek , nền tảng gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Indonesia, đã quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào ngày 16/9 trong một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của công ty,

Phía doanh nghiệp này cho biết quyết định trên phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia.

Quyết định này là chiến lược nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.

 VNG, Gojek có biến động; ngóng tin mới công ty Cường Đô La - 2

Gojek đã quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào ngày 16/9 (Ảnh: Gojek).

Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike để gọi xe máy và GoSend để giao nhận. Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.

Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ.

Ông Đặng Thành Tâm trả lương cho nữ CEO cao nhất Việt Nam

Công ty của đại gia Đặng Thành Tâm đang gây chú ý khi là doanh nghiệp chi trả lương cho Tổng giám đốc (CEO) cao nhất cả nước. Cụ thể, CEO của Kinh Bắc là bà Nguyễn Thị Thu Hương, nhận mức lương gần 17 tỷ đồng trong năm 2023 , tăng 70% so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương sinh năm 1971, có trình độ Tiến sĩ kinh tế. Bà Hương hiện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Cùng với ông Đặng Thành Tâm, bà Hương là người quản lý của Kinh Bắc tại thời điểm công ty bắt đầu trở thành công ty niêm yết vào tháng 12/2007.

Theo báo cáo quản trị của Kinh Bắc, trong tháng 2, bà Hương nhận nốt thù lao HĐQT năm 2023 là 100 triệu đồng và nửa đầu năm nay, bà Hương nhận 4,17 tỷ đồng lương, thưởng 6 tháng. Trong khi đó, thuế thu nhập do công ty trả lên tới 2,1 tỷ đồng.

Bà Hương đang nắm 399.304 cổ phiếu KBC, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,052% cổ phần công ty.

Ngoài Kinh Bắc, bà Hương còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG), là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.

Về phần ông Đặng Thành Tâm, vị Chủ tịch Kinh Bắc đang sở hữu 138,67 triệu cổ phiếu KBC, chiếm tỷ lệ 18,06% vốn điều lệ. Với thị giá hiện tại của KBC, tài sản trên sàn của ông Tâm thông qua sở hữu KBC đạt 3.564 tỷ đồng. Con gái ông Tâm - bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh - là Thành viên HĐQT công ty, sở hữu 13,33 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,74%.

Công ty taxi, xe ôm của tỷ phú Vượng mang về bao nhiêu tiền cho Vingroup?

Tập đoàn Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét. Báo cáo ghi nhận doanh thu bán hàng của tập đoàn này đạt được thông qua giao dịch với Công ty GSM là hơn 5.746 tỷ đồng.

Con số trên cao hơn cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm 2023, GSM mang lại 5.615,6 tỷ đồng doanh thu cho Vingroup. Tính cả năm 2023, tổng số tiền mà Vingroup thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ cho GSM lên tới 20.163,5 tỷ đồng, chính là giá trị xe VinFast mà GSM mua để vận hành hoạt động kinh doanh taxi và cho thuê taxi, xe máy điện.

Nửa đầu năm nay, Vingroup còn phát sinh thêm các khoản bao gồm 286,2 tỷ đồng tiền góp vốn và 91,9 tỷ đồng lãi phạt chậm trả với GSM. Khoản phải thu ngắn hạn từ bán hàng cho GSM tại ngày 30/6 là 904,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 2.295,1 tỷ đồng hồi đầu năm. Đồng thời, phải thu ngắn hạn đối với GSM từ lãi phạt chậm trả là 91,9 tỷ đồng.

Công ty GSM (Green and Smart Mobility - tên đầy đủ là Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh) là công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng. 

Cú bật nảy trong phiên cuối trên sàn HoSE của cổ phiếu HAGL Agrico

HoSE chỉ có một mã tăng trần trong số 118 mã tăng phiên 5/9, chính là HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) .

HNG đột ngột "cháy hàng", tăng kịch biên độ lên 4.680 đồng, khớp lệnh 7,67 triệu cổ phiếu và còn dư mua giá trần 4,82 triệu đơn vị.

HNG tăng trần trong 15 phút giao dịch xác định giá đóng cửa (phiên ATC) nhưng khối lượng khớp lệnh lên tới 3,13 triệu đơn vị.

Phiên 5/9 cũng là phiên giao dịch cuối cùng của HNG trên sàn HoSE do kể từ 6/9, HNG bị hủy niêm yết bắt buộc do có 3 năm liên tiếp lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, năm 2021 công ty lỗ hơn 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 3.576 tỷ đồng, năm 2023 lỗ hơn 1.098 tỷ đồng. Cổ phiếu HNG cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát.

Theo quy định, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Công ty đại chúng phải hoàn tất việc đăng ký cổ phiếu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.

Mặc dù HNG bị hủy niêm yết song theo phát biểu của ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HAGL Agrico - tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra hồi đầu tháng 5, chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch với 33.000 cổ đông như trên HoSE và trở lại sàn HoSE ngay khi đủ điều kiện.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm