Vĩnh Phúc dự kiến hụt thu 7.000 tỷ đồng từ ô tô
(Dân trí) - Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình và Lai Châu là các tỉnh thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây là 6/20 tỉnh có số thu thấp hơn nhiều so với dự toán thu được giao.
Báo cáo về hoạt động thu ngân sách Nhà nước 8 tháng cuối năm 2017, Bộ Tài chính cảnh báo vẫn còn địa phương không thu đủ ngân sách như dự toán được Quốc hội giao.
Về tổng thể, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, cả nước có khoảng 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 63% dự toán năm trở lên, trong đó không kể từ tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì có 18 địa phương đạt trên 70% dự toán năm. 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%). Đặc biệt 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ bao gồm: Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá, Hòa Bình và Lai Châu.
Trong đó Quảng Ngãi hụt thu do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô (nơi sản xuất, lắp ráp của Toyota Việt Nam); Thái Bình giảm thu do giảm thuế bảo vệ môi trường từ xăng, dầu.
Tỉnh Thanh hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của Tổ hợp Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Các tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu giảm thu từ các công trình thủy điện trên địa bàn.
Bắt đầu từ năm 2017, thuế nhập khẩu đối với xe ô tô từ ASEAN như xe Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Cụ thể, từ mức thuế suất thuế nhập khẩu 40% về mức 30% (bắt đầu từ 1/1/2017). Đồng thời với quá trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN, xe nhập ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam với mức giá báo trước thuế rất rẻ; nhiều nhất là xe từ Ấn Độ, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia.
Hiện nay, lượng xe và kim ngạch nhập xe ô tô từ Thái Lan, Indonesia đang chiếm khoảng 60% sản lượng và giá trị. Riêng đối với xe Thái Lan, 7 tháng đầu năm nhập về Việt Nam bằng cả năm 2016.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng bán xe và doanh thu của các hãng xe trong nước tháng 7/2017 đạt 20.662 xe, giảm 15% so với tháng 6/2017 và giảm 27% so với tháng 7/2016. Trong đó, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 14.779 xe, giảm 14% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 7/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt hơn 111.500 chiếc, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước là 124.500 chiếc; trong khi xe nhập khẩu đạt hơn 43.400 chiếc tăng 9% so với cùng kì năm ngoái (39.800 chiếc).
Sản lượng, doanh thu xe hơi sản xuất trong nước giảm ngược lại lượng và kim ngạch xe nhập khẩu vào thị trường đang tăng đều qua các tháng nhờ chính sách thuế ưu đãi. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ô tô trong nước và các địa phương có doanh nghiệp đứng chân đều kêu giảm thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017 dự báo sẽ giảm thu thuế ô tô khoảng 7.000 tỷ đồng do thuế nhập giảm, khiến các DN ô tô trên địa bàn như Toyota giảm sản lượng, doanh thu. Tỉnh Quảng Nam, trong năm 2017 cũng đưa ra dự toán giảm số thu từ ô tô (Trường Hải) bù vào đó là tăng thu từ du lịch, dịch vụ...
Về lộ trình giảm thuế nhập khẩu, bắt đầu từ 1/1/2018, Việt Nam bắt buộc phải giảm thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ 30% xuống 0% áp dụng cho các xe nhập khẩu từ ASEAN, điều kiện tỷ lệ nội địa hóa dòng xe 40%. Để hạn chế tác động xấu của giảm thuế đối với ngành ô tô, Bộ Tài chính vừa đề xuất chính sách bỏ, giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện ô tô nhập rời và nhập theo cụm động cơ cho các DN ô tô trong nước.
Điều kiện để các DN đáp ứng phải có sản lượng riêng từng mẫu xe từ 20.000 xe/năm (2018) và sản lượng chung tối thiểu là 34.000 chiếc (năm 2018); tỷ lệ từng mẫu xe của DN được đáp ứng phải đạt 36.000 chiếc (năm 2022) và sản lượng chung là 61.000 chiếc/năm 2022.
Nguyễn Tuyền