1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vingroup và T&T được lập đề xuất dự án đường sắt đô thị Hà Nội

(Dân trí) - Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương giao các nhà đầu tư lập đề xuất dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025.

Trong đó, các dự án ưu tiên giai đoạn 2025 bao gồm 3 tuyến đường sắt đô thị lớn gồm tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà.

Dự kiến 3 tuyến đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025 (minh hoạ)
Dự kiến 3 tuyến đường sắt đô thị sẽ được ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025 (minh hoạ)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho TP. Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, trên cơ sở đó, lập phương án đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.

Dự kiến, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc sẽ kết nối trung tâm thành phố hướng về khu công nghệ cao, làng đại học quốc gia Hoà Lạc. Tuyến số 2 sẽ kết nối đô thị xuyên tâm phía nam và tuyến số 4 sẽ kết nối phía bắc với phía đông Hà Nội.

Trước đó, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho hai tập đoàn Vingroup và T&T làm 3 dự án đường sắt đô thị theo hình thức đầu tư hợp tác công tư - PPP, phương thức (BT: xây dựng - chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng.

Cụ thể, Vingroup đề xuất 2 đoạn tuyến: tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9 km. Còn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, dài 54 km).

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.

Dự kiến 10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi), tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà), tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá), tuyến Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai.

An Linh

Vingroup và T&T được lập đề xuất dự án đường sắt đô thị Hà Nội - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm