6 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội: Đã có 9 nhà đầu tư sẵn sàng "xuống tiền"
(Dân trí) - Thông tin này được ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố, khóa XV.
Theo đó, tại cuộc tiếp xúc ngày 24/7, cử tri quận Hoàn Kiếm đã phản ánh với người đứng đầu thành phố một số vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến: trật tự đô thị, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường và phát triển du lịch...
Cụ thể, cử tri các phường Tràng Tiền và Hàng Đào phản ánh những băn khoăn về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn yếu kém, thiếu đồng bộ như hiện nay.
Cử tri cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, song trước khó khăn còn nhiều và người dân, đa phần sử dụng xe máy làm phương tiện phục vụ cuộc sống thì đề án trên cần được xem xét kỹ lưỡng. Trong đó, cần có những giải pháp hiệu quả như: giảm xây dựng các tòa nhà cao tầng ở những quận nội thành; tăng cường quản lý giao thông đường bộ...
Trả lời kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: đề án của thành phố phấn đấu đến 2030 sẽ hạn chế phương tiện cá nhân ở lõi đô thị. Theo đề án, phương tiện cá nhân sẽ bị hạn chế chứ không cấm hẳn và sẽ được thực hiện theo lộ trình khoa học.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tăng số lượng xe buýt... Đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm thêm ít nhất từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy.
"Riêng đối với 6 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội đã kêu gọi thành công 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước. Các dự án này sẽ được thành phố tạo điều kiện tối đa để sớm đi vào hoạt động, giảm áp lực hạ tầng, phục vụ nhân dân", ông Chung cho hay.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó kiến nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD.
Cũng tại buổi làm việc, liên quan đến công tác lập lại vỉa hè, cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị đại biểu HĐND xem xét cần có phương án riêng dành cho vỉa hè các tuyến phố thuộc địa bàn quận. Bởi Hoàn Kiếm có đặc thù khác với các quận khác, do đó, để áp dụng khung quy định chung trong công tác đảm bảo trật tự vỉa hè cho tất cả các quận là rất khó thực hiện.
Riêng với tuyến phố đi bộ, cử tri cũng đề nghị thành phố cần tăng cường quản lý các dịch vụ trông giữ xe tự phát và nghiên cứu thời gian phố đi bộ một cách hợp lý để đảm bảo giao thông khu vực lân cận...
Bích Diệp