1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vinashin và Vinalines gây lo ngại cho các nhà tài trợ

(Dân trí) - Từ vụ việc của Vinalines cũng như Vinashin trước đó, WB bày tỏ mong muốn, Chính phủ sẽ phải đảm bảo được trách nhiệm giải trình, phải có những chỉ tiêu rõ ràng đối với khu vực DNNN, đặt DNNN dưới một chế độ quản trị minh bạch.

Vinashin và Vinalines gây lo ngại cho các nhà tài trợ

Giám đốc WB tại Việt Nam: Đương nhiên chúng tôi lo ngại! (ảnh B.D)

Chiều nay, mặc dù nội dung chính tại buổi họp báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng ban tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam (BVF) là giới thiệu về loạt sự kiện sắp tới, song chủ đề Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng như những bình luận, nhận định về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đã chiếm một tỉ trọng thời gian khá lớn giữa ban chủ tọa và báo giới.

Nói về trường hợp của Vinalines, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nói, mặc dù bà không nắm rõ và chi tiết về những sai phạm của Vinalines, song trên tư cách đại diện cho một trong những nhà tài trợ lớn cho Chính phủ, bà tỏ ra thực sự lo ngại.

“Ở đây, chúng tôi làm việc với Việt Nam để hỗ trợ cho quá trình phát triển của Việt Nam, quá trình chuyển mình để trở thành một nước công nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải đảm bảo hiệu suất, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Khu vực tư nhân phải được tạo điều kiện hoạt động cũng như phải sử dụng hiệu quả đầu tư công.

Tất cả những lý do này khiến chúng tôi quan ngại. Đương nhiên là chúng tôi quan ngại khi nghe những câu chuyện, những báo cáo về các vấn đề của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đây là một khu vực lớn trong nền kinh tế và nếu nó không hoạt động tốt thì nền kinh tế cũng không đạt được những hiệu quả và hiệu suất cần thiết. Nó cũng khiến Việt Nam khó khăn hơn trong việc đạt được những mục tiêu lâu dài” – bà Kwa Kwa chia sẻ.

Bà cũng thẳng thắn rằng, phía WB không nắm rõ chi tiết, chỉ biết là có những sai phạm trong mua tàu cũ, mua vượt mức khả năng tài chính và sử dụng nguồn lực không đúng mục đích.

Tuy nhiên, bà cũng đưa ra bình luận: Sai phạm ở đây là do cơ cấu quản trị không tốt trong các doanh nghiệp nhà nước: từ cách quản lý cho đến cách thực hiện, cách sử dụng nguồn lực mà không phải giải trình.

Vinashin và Vinalines gây lo ngại cho các nhà tài trợ

Ông Alain Cany: Nhà nước cần đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp!

Từ vụ việc của Vinalines cũng như Vinashin trước đó, đại diện cho nhà tài trợ đa phương lớn nhất của Việt Nam bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ sẽ phải đảm bảo được trách nhiệm giải trình, phải có những chỉ tiêu rõ ràng đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước cần phải chịu một chế độ quản trị minh bạch, phải có người giám sát và phải thực hiện trách nhiệm đối với những quyết định đưa ra.

Bà Kwa Kwa cũng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước cần được đặt trong một sân chơi bình đẳng để cạnh tranh với những doanh nghiệp tư nhân. Một khi phải cạnh tranh thì doanh nghiệp nhà nước tất phải sử dụng tốt nguồn lực đang có. Còn nếu không đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp đó sẽ bị phá sản.

Việc cải cách này theo bà Kwa Kwa sẽ giúp Việt Nam tránh được những tình trạng tương tự Vinashin và Vinalines thời gian vừa rồi.

Về phía Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Alain Cany cũng bày tỏ, “Chúng tôi thực sự muốn khuyến khích Nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước”.

Theo ông, hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước đang hạn chế sự cạnh tranh và phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và đây không chỉ là vấn đề đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn là vấn đề chung đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Và vì vậy, nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là một trong những nội dung chính của diễn đàn BVF ngày mai. 

Bích Diệp