Vinamilk nói gì sau cuộc điện thoại của Bí thư Đinh La Thăng?
(Dân trí) - Sau khi bất ngờ chất vấn Chủ tịch huyện Củ Chi số điện thoại của đơn vị thu mua sữa bò - Vinamilk, đích thân Bí thư TPHCM Đinh La Thăng đã gọi điện cho Tổng giám đốc công ty Vinamilk - bà Mai Kiều Liên hỏi về thực trạng vì sao bà con không bán được sữa.
Như báo chí đã đưa tin, trong buổi làm việc tại Củ Chi sáng 18/2, lãnh đạo huyện Củ Chi đã trình bày tình trạng bà con nông dân Củ Chi không bán được sữa bò. Đàn bò sữa gần 40 ngàn con nhưng tỷ lệ sữa bán được rất thấp. Trong đó, Vinamilk là đơn vị thu mua 80% lượng sữa từ đàn bò sữa ở Củ Chi.
Trước báo cáo này của lãnh đạo huyện Củ Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã đưa ra câu hỏi chất vấn: Bán không được thì lãnh đạo huyện đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm nguyên nhân chưa?
Và ngay trong ngày 18/2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã kết nối điện thoại với Tổng giám đốc công ty Vinamilk - bà Mai Kiều Liên. Ngay sau cuộc trao đổi với ông Thăng, bà Liên đã chỉ đạo các bộ phận có liên quan báo cáo tình hình thực tế, cụ thể, cập nhật nhất tại Củ Chi liên quan đến vấn đề thu mua sữa.
Theo đó, thông tin cho biết 100% các hộ chăn nuôi đã ký hợp đồng trực tiếp với Vinamilk đều đã được thu mua, kể cả trong đợt nghỉ Tết dài ngày.
Thông tin cũng cập nhật thêm, số hộ không bán được sữa theo phản ánh là do không có hợp đồng với Vinamilk, hoặc đang bán cho doanh nghiệp sữa khác hoặc chăn nuôi tự phát nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mà Vinamilk đã đề ra, thông tin từ phía Vinamilk cho biết.
“Để giải quyết được tình trạng này, chính quyền địa phương cần làm việc cụ thể với các doanh nghiệp đang thu mua sữa trên địa bàn để có giải pháp phù hợp”, bà Bùi Thị Hương - Giám đốc Điều hành của Vinamilk đề nghị hướng giải quyết vấn đề.
Trưa 19/2, trao đổi cùng Dân trí về thông tin nhiều nông dân nuôi bò ở Củ Chi không bán được sữa, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: "Thực ra không thể đổ hết cho Vinamilk. Vì trong hơn 6.000 hộ nuôi bò thì Vinamilk đã mua gần 80% rồi, phần còn lại cũng có nhiều công ty khác mua. Chỉ còn vài trăm hộ không bán được cũng vì nhiều nguyên nhân, trong đó khó nhất là các hộ quy mô nhỏ lẻ nuôi 3 - 4 con thì rất khó để doanh nghiệp thu mua".
Từ 5-6 tháng nay, huyện Củ Chi đã cùng các ban ngành và các đơn vị tính toán giải quyết vấn đề này. "Chúng tôi đã tính tới chuyện liên kết các hộ nhỏ lẻ vào các hợp tác xã hay tổ hợp tác, cho 1 hộ làm đại diện với quy mô vài chục con để ký hợp đồng bán sữa cho Vinamilk. Có như vậy mới dễ triển khai các biện pháp kiểm tra chất lượng, thực hiện quy trình chăn nuôi đúng kỹ thuật…", ông Phú nói.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết rất nhiều công việc chi tiết đã được thực hiện và còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm. "Chứ nói không làm gì thì cũng oan cho nỗ lực lâu nay của các ban ngành và huyện Củ Chi quá!
Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề từ phía doanh nghiệp thì đâu đó vẫn còn sự phàn nàn là tình trạng nông dân nuôi bò hủy hợp đồng, chuyển đơn hàng sang bán cho công ty khác khi thấy giá cao hơn. Việc này làm khó cho các doanh nghiệp thu mua sữa và hầu như họ sẽ không hợp tác với những hộ đã từng đơn phương chấm dứt hợp đồng nữa…".
Cũng theo lãnh đạo huyện Củ Chi, có tình trạng hộ dân đang bán cho Vinamilk, thấy công ty D. mua sữa giá cao hơn thì hủy hợp đồng, quay sang bán sang cho công ty D. Sau thấy Vinamilk tăng giá thì quay lại đòi bán cho đơn vị này. "Doanh nghiệp làm ăn phải tính tới hiệu quả kinh doanh, cơ quan nhà nước cũng phải tôn trọng Luật Doanh nghiệp, nếu họ làm đúng luật thì chúng ta cũng không thể can thiệp. Nếu chúng ta can thiệp thô bạo, không hợp lý, doanh nghiệp kinh doanh lỗ thì không chỉ là vài trăm hộ không bán được sữa mà có khi còn hỏng cả vùng bò sữa Củ Chi".
Và để trả lời cho câu hỏi: Vậy sắp tới huyện sẽ làm gì để thực hiện chỉ đạo giải quyết vấn đề không bán được sữa cho nông dân, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết: "Đầu tuần sau chúng tôi sẽ hoàn tất bảng thống kê các hộ chưa bán được sữa, nguyên nhân vì sao chưa bán được… để đề ra một giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề này. Sau đó sẽ mời các ban ngành thành phố và Vinamilk cùng ngồi lại với nhau bàn bạc và thống nhất giải pháp giải quyết vấn đề. Khi đó, huyện Củ Chi sẽ tổ chức họp báo để thông báo rõ cho dư luận được biết".
Việt Khuê – Tùng Nguyên