TPHCM:
Câu hỏi bất ngờ của Bí thư Đinh La Thăng
(Dân trí) - Nghe lãnh đạo địa phương báo cáo bà con Củ Chi không bán được sữa, ông Đinh La Thăng hỏi ngay: Bán cho ai? Đã làm việc với đơn vị mua sữa chưa? Rồi bất ngờ yêu cầu Chủ tịch huyện Củ chi gọi điện cho Tổng giám đốc Vinamilk. Chủ tịch huyện không có số điện thoại, ông Thăng gay gắt: "Tôi kiểm tra thế là biết ngay...".
Sáng 18/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy TPHCM xuống kiểm tra và làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 của TPHCM.
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Tấn – Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi báo cáo đoàn công tác những công việc trọng tâm như chăm lo đời sống nhân dân, gia đình chính sách; giảm hộ nghèo, giảm tội phạm, phát triển nông nghiệp địa phương…
Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo huyện cần nêu rõ những thuận lợi, khó khăn của Củ Chi trong việc thực hiện Nghị quyết. Phải phân tích được thuận lợi và khó khăn của địa phương để khai thác thuận lợi như thế nào?
Ngoài ra, theo những quy định mới về thu nhập, giảm nghèo thì Củ Chi liệu có còn là nông thôn mới nữa không? Theo ông Thăng, người dân thành phố đang bức xúc về triều cường, ngập lụt, ùn tắc giao thông, trộm cắp cướp giật… Củ Chi có bị tình trạng này không?
“Hiện nay người dân Củ Chi bức xúc nhất vấn đề gì? Để người dân tin tưởng thì phải triển khai, phổ biến Nghị quyết cụ thể, rõ ràng. Tùy theo từng đối tượng mà phổ biến cho hiệu quả, không nhất thiết một người dân bình thường phải nắm hết 7 chương trình đột phá của thành phố, rồi chương trình đột phá của huyện.
Trên từng đặc thù thuận lợi, khó khăn thì cần tập trung làm cái gì. Để từ đó từng bước giải quyết tất cả các vấn đề bức xúc của người dân. Nếu bức xúc người dân từ đầu nhiệm kỳ vẫn còn thì liệu chúng ta có hoàn thành được Nghị quyết của huyện, của thành phố?”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói.
Bí thư Thành ủy cho rằng cần phải xem xét lại một số tiêu chí của nông thôn mới, vì khi nông dân tập trung vào sản xuất lớn, hiện đại thì có thể hạ tầng sẽ phải thay đổi để phù hợp.
Ông Thăng nhấn mạnh: “Khi tiếp cận, chúng ta cần lấy dân làm trung tâm, người dân sẽ là người quyết định chúng ta sẽ làm gì cho họ. Mọi giải pháp đều phải xoay quanh người dân. Những giải pháp này phải được thông tin rộng rãi để người dân biết, thực hiện. Mặc dù chủ trương của mình đúng nhưng nếu chúng ta tổ chức không tốt, truyền thông không tốt thì người dân sẽ phản ứng”.
Khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo hiện nay sữa từ đàn bò sữa bà con nông dân Củ Chi bán không được; ông Thăng lập tức hỏi sữa bán cho ai? Lãnh đạo địa phương đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm nguyên nhân chưa?
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - trả lời, 80% sản lượng sữa từ đàn bò sữa của địa phương bán cho Vinamilk. Bí thư Thành ủy yêu cầu chủ tịch huyện bấm máy để ông gọi điện cho Tổng giám đốc Vinamilk. Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Củ Chi không có số điện thoại của Tổng giám đốc doanh nghiệp.
“Tôi kiểm tra thế là đã biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp Tổng giám đốc Vinamilk thì làm sao biết rõ nguyên nhân bà con nông dân không bán được sữa. Sản lượng sữa của Củ Chi thì có thấm gì so với năng suất của Vinamilk. Phải gặp họ để trao đổi thì mới tìm ra phương thức giải quyết cho bà con…”, Bí thư Đinh La Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng cũng nhắc nhở cán bộ dân vận địa phương rằng, dân vận thì phải làm được cái dân họ cần. Anh nói dở mà làm được nhiều việc thì người dân cũng theo. Cán bộ cũng phải bớt hội họp mà tập làm ngay cái người dân cần.
“Thu ngân sách nhiều hay ít người dân không mấy quan tâm, quan trọng là người ta được cái gì, cuộc sống có tốt hơn không? Tôi đề nghị huyện Củ Chi phải làm rõ thêm các giải pháp đột phá, làm sao để sau 6 tháng, một năm người dân cảm nhận được sự thay đổi. Người dân cảm nhận được cả hệ thống chính trị huyện Củ Chi đang hành động vì họ”, ông Thăng nhấn mạnh.
Quốc Anh