Vinalines: “Lỗ lũy kế giảm còn hơn 4.000 tỷ đồng”
(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân Trí, đại diện Vinalines cho biết, số lỗ lũy kế tại doanh nghiệp này đã giảm mạnh từ hơn 20.000 tỷ đồng cuối 2014 xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng năm 2015.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng Ban chiến lược và phát triển truyền thông của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có công văn trả lời Dân Trí về việc khắc phục những tồn tại đã được nêu tại báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với tổng công ty này năm 2014.
Ông Hải cho biết, giai đoạn 2011-2015, Vinalines tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, “đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn, tiếp tục cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ban ngành”.
Đại diện Vinalines cho hay, căn cứ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2014 tại Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp này đã tập trung rà soát, triển khai xử lý ngay, dứt điểm theo thẩm quyền các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và những vấn đề mang tính tồn đọng từ nhiều năm.
Ngày 15/6/2016, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra và thống nhất ghi nhận các kết quả mà Vinalines đã thực hiện theo kiến nghị kiểm toán tại Biên bản kiểm tra.
Về kết quả sản xuất kinh doanh và chỉ tiêu tài chính, năm 2015, lỗ lũy kế hợp nhất của Vinalines đã giảm chỉ còn hơn 4.000 tỷ đồng, công ty mẹ đã có lãi 329 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ ghi nhận tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với số đầu năm, đạt 9.763 tỷ đồng.
Trước đó, theo số liệu nêu tại báo cáo kiểm toán, tại thời điểm cuối năm 2014, Vinalines vẫn còn trong tình trạng bị âm vốn chủ sở hữu 10.768,2 tỷ đồng. Năm 2014, công ty lỗ sau thuế 3.478,5 tỷ đồng với 19 đơn vị lỗ hơn 4.332,6 tỷ đồng trong khi 20 đơn vị chỉ lãi gần 887 tỷ đồng. Qua đó, đưa mức lỗ lũy kế của Vinalines sau kiểm toán năm 2014 vượt 20.000 tỷ đồng.
Liên quan đến kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cụ thể là tái cơ cấu tài chính, theo thông báo của Vinalines, đến hết năm 2015, dư nợ của tổng công ty này đã giảm gần 50% so với thời điểm trước tái cơ cấu. Thoái vốn tại các doanh nghiệp không hiệu quả và ngoài ngành nghề kinh doanh chính, thu gọn đầu mối từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35 doanh nghiệp.
Mới đây, tại báo cáo kiểm toán năm 2015 (thực hiện kiểm toán đối với niên độ 2014) do Kiểm toán Nhà nước mới công bố, cơ quan này đã đề nghị Vinalines kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể khi đã xảy ra một số sai phạm. Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2014, việc quản lý các khoản nợ tạm ứng, nợ phải thu khách hàng, ứng trước cho người bán... đã gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho rằng, việc ra quyết định đầu tư tài chính của Vinalines tiềm ẩn rủi ro thiệt hại vốn đầu tư, khoản vay khó thu hồi.
Kiểm toán Nhà nước cũng đòi hỏi cần phải có người chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ của Người đại diện quản lý vốn góp tại doanh nghiệp khác đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn hoặc tồn tại nhiều rủi ro tài chính.
Kết luận kiểm toán còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác tại Vinalines đó là ký hợp đồng thiếu chặt chẽ, không có chế tài xử phạt đã dẫn đến bị khách hàng chiếm dụng; trả trước cho người bán tiềm ẩn rủi ro không có khả năng được hoàn trả, nguy cơ mất vốn. Doanh nghiệp này còn mua vật tư về nhập kho chưa sử dụng, gây ứ đọng vốn; áp dụng giá cước không phù hợp giá cước đã kê khai.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một loạt các đơn vị thành viên của Vinalines vẫn chưa công khai thông tin tài chính trên trang thông tin điện tử của công ty như công ty CP Cảng Đà Nẵng, công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh. Người đại diện của các công ty: Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế, công ty CP Đại lý Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty CP Vận tải biển Vinaship, Công ty CP Cảng Quảng Ninh lập báo cáo giám sát tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP. Cũng theo kết luận kiểm toán, việc quyết định đầu tư xây dựng cầu cảng số 2 cảng Ba Ngòi không phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị khai thác.
Bích Diệp