1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Việt Nam – thành công điển hình trong lịch sử thế giới”

(Dân trí) - Từ mức thu nhập GDP đầu người 100 USD năm 1986, sau chưa tới 30 năm, con số này đã tăng gấp 22 lần. Với hàng loạt FTA đã ký và sắp có hiệu lực, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam thời gian tới sẽ nhảy vọt.

Việt Nam có thể thoát bẫy “thu nhập trung bình” nhờ FTA

“Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế ghi nhận như một ví dụ thành công điển hình trong lịch sử phát triển của thế giới” - đại diện EuroCham dẫn đề tại “Hội thoại Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam: Lễ công bố Sách Trắng 2016 và tầm nhìn EU – Việt Nam FTA” sáng nay (2/3/2016).

Theo ghi nhận của nhóm tác giả, kể từ khi quá trình cải cách (Đổi Mới) bắt đầu năm 1986, từ một quốc gia với tổng thu nhập quốc nội (GDP) đầu người 100 USD, Việt Nam đã vươn lên là một nước có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập đầu người 2.200 USD vào cuối năm 2014 (tăng 22 lần).

Toàn cảnh “Hội thoại Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam: Lễ công bố Sách Trắng 2016 và tầm nhìn EU – Việt Nam FTA”
Toàn cảnh “Hội thoại Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam: Lễ công bố Sách Trắng 2016 và tầm nhìn EU – Việt Nam FTA”

Theo EuroCham, 2015 là một năm có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam và sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó mở ra một chân trời mới trong năm 2016 này.

Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được xem là một dấu mốc lớn với cả hai phía, bởi EU là một thị trường quan trọng của Việt Nam xét về mặt thương mại. Khi Hiệp định có hiệu lực, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng trên 15% và giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng gần 35%.

Hơn nữa, khi 99% các dòng thuế được gỡ bỏ, Việt Nam sẽ tự do hóa 65% thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có xuất xứ EU khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực và dần tự do hóa phần thuế còn lại trong 10 năm kế tiếp. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ thuế dần trong 7 năm. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được sử dụng các sản phẩm từ EU đa dạng hơn với mức giá phù hợp hơn rất nhiều, từ rượu vang, rượu mạnh đến ô tô và xe máy.

Nhóm tác giả nhận định, một loạt thay đổi đi kèm EVFTA sẽ không chỉ có tác dụng đẩy mạnh thương mại mà còn tạo điều kiện cải thiện các chuẩn mực an toàn và chất lượng cho Việt Nam. FDI từ EU gia tăng sẽ đem lại những kỹ năng mới, chuyển giao kiến thức và công nghệ, giúp Việt Nam tránh được “bẫy thu nhập trung bình”. Hơn thế nữa, ngoài EVFTA, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển và hợp tác với Việt Nam.

Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam đã xây dựng được nền móng vững chắc để tiếp tục phát triển thành công. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh thực tế rằng, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đòi hỏi những nỗ lực rất lớn trong cải thiện khuôn khổ pháp lý, tính minh bạch và gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ.

Bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi

Ngoài ra, trong năm 2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó có Việt Nam cũng đã được ký kết về nguyên tắc. TPP sẽ tác động mạnh đến Việt Nam bởi theo ước tính thì trong vòng một thập kỷ, GDP của Việt Nam sẽ tăng 11% và do kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thương mại với Hoa Kỳ với hơn 18.000 loại thuế, ước tính kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 28%, trong đó ngành may mặc và dệt sẽ tăng 50%. Như vậy, Việt Nam sẽ có thể tranh thủ các thị trường mới hiện chưa tiếp cận được.

Tuy nhiên, nhiều rào cản cũng sẽ nảy sinh vì Việt Nam sẽ phải tuân thủ những chuẩn mực mới phức tạp hơn về bao bì, điều kiện lao động, thiết kế, dư lượng kháng sinh... Hơn nữa, việc tham gia TPP còn buộc Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực mới về nghiệp đoàn lao động và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời không được ưu đãi DNNN. "Những yếu tố này sẽ châm ngòi cho những thay đổi trong nền kinh tế tổng thể của Việt Nam" - theo nhận định của EuroCham.

Ở góc độ khu vực, thay đổi lớn đầu tiên đối với Việt Nam là việc AEC được ký kết thành lập vào cuối năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2016, thể hiện một bước tiến quan trọng cho việc hội nhập khu vực ở tất cả các cấp độ.

Với việc tích hợp các nền kinh tế trong khu vực, AEC sẽ kết nối 600 triệu người với GDP 2.400 tỉ USD. Theo một nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á, bằng việc cho tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề, và vốn trong khu vực khi thành lập AEC, khu vực ASEAN có thể tăng thu nhập đầu người tới 3 lần vào năm 2030. Từ đó đạt được những cải thiện mạnh mẽ về chất lượng sống, đạt ngang mức của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Bích Diệp

“Việt Nam – thành công điển hình trong lịch sử thế giới” - 2