Điểm mặt hàng loạt thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP

(Dân trí) - TPP là câu chuyện được nhắc tới nhiều trong năm qua với nhiều cơ hội và tiềm năng giúp Việt Nam "cất cánh" trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là những thách thức và hạn chế không nhỏ...

TPP là Hiệp định được kế thừa và bổ sung thêm nhiều quy định mới trong thương mại và đầu tư của thế kỷ XXI
TPP là Hiệp định được kế thừa và bổ sung thêm nhiều quy định mới trong thương mại và đầu tư của thế kỷ XXI

Trong một báo cáo được thực hiện bởi Ban Kinh tế trung ương, cơ quan này đã chỉ ra hàng loạt thách thức chính từ hạn chế của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nếu Hiệp định GATT và các hiệp định thuộc Tổ chức Thương mại thế giới WTO là “luật chơi” thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại của Thế kỷ XX thì TPP kế thừa và bổ sung thêm nhiều quy định mới trong thương mại và đầu tư của thế kỷ XXI. Do đó, là một trong 12 nước đầu tiên tham gia TPP, Việt Nam cần chuẩn bị tốt cho việc tham gia làn sóng mới của toàn cầu hoá.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế trung ương, quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các chủ thể kinh tế; gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường còn gặp nhiều rào cản, chi phí gia nhập thị trường còn lớn, thủ tục phá sản còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Trong khi đó, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ chưa thực sự tuân thủ và vận hành theo kinh tế thị trường; sự phát triển và hiệu quả của các chủ thể trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế, hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao; Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp, quá lớn vào nền kinh tế…

Việc thực thi thể chế thị trường lao động của Việt Nam chưa đồng đều, mang nặng tính tự phát, bị chia cắt giữa các vùng, các khu vực kinh tế khiến Việt Nam gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận nguồn nhân lực. Quy mô thị trường lao động chính quy nhỏ hẹp, đạt khoảng 30%, tính ổn định của thị trường không cao, còn biến động theo mùa vụ, chỉ có 18,38% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo. Chính sách tiền công, tiền lương của Việt Nam cũng được đánh giá là còn nhiều bất cập.

Hai lĩnh vực có tác động đến chất lượng nguồn nhân lực là y tế và giáo dục còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế trung ương, Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Quy mô thị trường vốn còn quá nhỏ, thanh khoản yếu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là dòng vốn lớn.

Cụ thể, với tổng vốn hoá thị trường chứng khoán theo thống kê tính tới năm 2013 chỉ khoảng 45 tỷ USD, có hơn 800 doanh nghiệp niêm yết nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp vốn hoá trên 5 tỷ USD, 8 doanh nghiệp có vốn trên 1 tỷ USD. Trong nhóm VN30, chỉ có 2 công ty giao dịch trên 2 triệu USD/ngày, 13 công ty giao dịch từ 1-2 triệu USD/ngày. Và với tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư ngoại chỉ cần bỏ ra 3 tỷ USD là mua hết cổ phần trong rổ VN30 và chỉ cần bỏ ra 6 tỷ USD là mua “kịch room” trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, quy mô của thị trường tiền tệ cũng còn chưa tương xứng, nhất là quy mô vốn của hệ thống ngân hàng thương mại còn nhỏ.Về cơ cấu thị trường, còn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản ngân hàng; trình độ thị trường ở mức thấp, ý thức tuân thủ luật pháp còn hạn chế, chế tài xử lý chưa có tính răn đe cao.

Về hạn chế trong tiếp cận đất đai, báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trong quản lý và điều tiết thị trường bất động sản. Vấn đề này dường như vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển, tác động không tốt đến đời sống tâm lý một bộ phận đáng kể người dân. Hàng hoá trên thị trường bất động sản còn nhiều khiếm khuyết, cùng sự phổ biến các giao dịch “ngầm” vượt ngoài quy định pháp luật, gây lãng phí và tổn thất ngân sách quốc gia.

Quy mô thị trường hàng hoá - dịch vụ phát triển chưa bền vững, thiếu liên thông về địa lý cũng như cơ chês quản lý giữa các cơ quan cũng là hạn chế trong việc tiếp cận thị trường đầu ra trong nước. Việc gia nhập và rút khỏi thị trường trên thực tế còn khó khăn ở một số phân khúc thị trường và mức độ cạnh tranh lớn bởi sự lấn át mang tính độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước.

Năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng cũng là một trong những hạn chế khi Việt Nam gia nhập TPP. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, kém chất lượng và còn rất lạc hậu so với thế giới. Việt Nam hiện tại cũng chưa có cảng hàng không hiện đại tầm cỡ quốc tế, còn thiếu các tuyến nối đến các cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế; mạng lưới giao thông chưa kết nối giữa các loại đường, các vùng nên khó phát triển vận tải đa phương thức.

Tính liên thông giữa thị trường trong nước và nước ngoài còn hạn chế ở một số phân khúc thị trường và do chi phí tiếp cận thị trường nước ngoài cao nên những doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được. Quá trình chuẩn bị hội nhập cũng chưa được chuẩn bị tốt các điều kiện về thể chế, chính sách, cải cách cơ cấu và nhân lực…

Cuối cùng, cũng cần kể tới hạn chế từ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam với chất lượng và năng suất còn thấp. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế gần như tuyệt đốt, chiếm tới 96% tổng doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế trong khi năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế. Việc tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ, năng suất lao động… còn hạn chế.

Phương Dung