1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng 14 bậc, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn “hụt hơi” so với người Thái

(Dân trí) - Ngay sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm (Doing Business), trong đó Việt Nam được xếp hạng thứ 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với đánh giá triển vọng năm 2017, các chuyên gia kinh tế tỏ rõ sự vui mừng song họ cũng đưa ra cách nhìn, nỗi lo còn lại.

Phân tích Báo cáo của WB, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: Nếu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt nam tăng 14 bậc thì các nước ASEAN còn có sự tăng hạng nhanh hơn.

Cụ thể "Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Trong đó, hai năm gần đây, Indonesia và Brunei liên tục có sự tăng hạng đáng kể và với tốc độ nhanh hơn nước ta. Năm 2016, Indonesia tăng 15 bậc, Brunei tăng 25 bậc".

Để làm rõ cách đánh giá và những vấn đề tác động, thực tiễn của Báo cáo trên, phóng viên Dân Trí đã phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM.

Không nên “tự mãn, rung đùi” vì thành tích

Báo cáo của WB đưa ra bức tranh khá sáng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó đưa ra nhiều chỉ số tiếp cận của doanh nghiệp (DN), nơi nhiều năm trước là điểm nghẽn cho DN Việt gia nhập thị trường, ông có đánh giá hay bình luận gì về báo cáo trên?

- Đầu tiên, tôi khá phấn khởi về chỉ số về môi trường kinh doanh Việt Nam được WB đánh giá có nhảy vọt, đây là mức cải thiện rất đáng kể so với các nước trong khu vực và cho thấy các chính sách của Chính phủ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tôi tin rằng các chỉ số trong báo cáo là một căn cứ, ngoài các căn cứ về chi phí khác như thuế, vận tải, đất đai... họ sẽ có thêm những tư liệu để quyết định đầu tư cả đối với khu vực FDI và khu vực đầu tư trong nước.

Về các chỉ số được cải thiện như tiếp cận điện, thu thuế... đây có thể nói là tín hiệu vui và cũng là những chỗ mà trước đây bị nói quá nhiều, đã có cải thiện. Tuy nhiên, tôi vẫn lo là các yếu tố khác như bảo vệ cổ đông thiểu số thì Việt Nam vẫn đang còn thấp.

Việt Nam không nên tự mãn, rung đùi bởi thứ hạng 68/190 nước thì chưa phải là mức cao lắm, để tạo đột phá thì chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, ngay cả cải thiện các chỉ số đã có tiến bộ như WB đánh giá.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ ngành có những quyết sách chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; ban hành Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, xóa bỏ điều kiện kinh doanh, trong đó Bộ Công Thương xoá bỏ 675 điều kiện kinh doanh làm nức lòng DN, ông có nghĩ những tín hiệu này khiến WB đánh giá tốt cho Việt Nam?

- Tôi cho rằng chính sách sẽ có độ trễ, tôi tin rằng các biện pháp như dỡ bỏ điều kiện kinh doanh, lập Ban nghiên cứu Kinh tế tư nhân hay Tổ tư vấn hay đưa ra một số quyết sách như trên chưa được quốc tế đánh giá trong bản báo cáo này mà có thể là sẽ ở dịp đánh giá sau.

Bên cạnh đó, do khảo sát 190 nước nên Báo cáo chắc chắn sẽ có độ trễ khoảng 18 tháng và phụ thuộc vào các kết quả trước đây nên chưa thể nào khẳng định họ có thể cập nhật nhanh đến như vậy. Tuy nhiên, hãy cứ làm tốt chính sách và đo lượng thực tiễn từ khu vực DN thì chúng ta sẽ có bản báo cáo sang năm tốt hơn.

Việt Nam "hụt hơi" trong cuộc đua với người Thái...

Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo của WB chỉ dựa vào các thông điệp chính sách, nghe ngóng quyết sách của Chính phủ, không phải là hiệu quả thực tiễn? Bên cạnh đó, nếu so với các nước trong khu vực, Việt Nam còn tăng chậm hơn, ông bình luận gì về vấn đề này?

- Một trong các phương pháp luận của WB khi làm các báo cáo này là họ thu thập các báo cáo của các hãng luật, công ty luật. Khi các hãng, công ty luật có tiếp nhận các đơn của DN thì họ thu thập lại và gửi cho cơ quan thống kê.

Điều này có bất hợp lý ở chỗ là nếu các nước hệ thống tư pháp chưa hoàn chỉnh, hệ thống DN chưa được hỗ trợ bảo các công ty luật đứng ra bảo vệ quyền lợi nhiều hơn, thường nhật hơn thì có thể không đúng với thực tế. Việc thiếu thăm dò thực tế, lắng nghe cộng đồng DN đã tạo nên khoảng cách và khiến độ vênh giữa báo cáo với thực tế có thể xảy ra.

Tôi từng gặp bạn đồng nghiệp của tôi tại Malaysia và Philippines, họ phản đối rất dữ dội báo cáo của WB hằng năm bởi cho rằng đánh giá này không công bằng, không thực tế. Tuy nhiên, đây là ý kiến của từng người, tôi cho rằng nên đánh giá khách quan, và ở Việt Nam thì ta thấy rõ qua các năm thì chúng ta cần nhìn nhận nó một cách thực tế.

Với dữ liệu mà Viện CIEM vừa đưa ra, dựa trên các thông số về cải cách môi trường kinh doanh thì đà cải cách mạnh mẽ của các nước trong khu vực đã khiến mục tiêu Việt Nam đạt mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh trở nên thách thức hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn

Báo cáo của WB với nội dung chủ đạo "Cải cách để tạo việc làm", nội dung này là câu chuyện bức bách, cấp thiết đối với Việt Nam ở cả hai khía cạnh: Cải cách có chủ trương nhưng chậm, đặc biệt là hiệu quả của thủ tục hành chính, thoái vốn và cổ phần hóa các ông lớn Nhà nước được đặc quyền, đặc lợi nhưng kém hiệu quả. Khía cạnh về việc làm, Việt Nam đang chứng kiến thời kỳ năng suất lao động thấp, rất khó cải thiện được, dẫn tới nguy cơ già trước khi giàu. Ông nhận định gì về vấn đề WB gợi mở và thực tiễn ở Việt Nam?

- Cải cách, cổ phần hoá, vấn đề này nói mãi, nói hoài rồi nhưng tiến trình vẫn còn chậm. Nếu không sớm đẩy nhanh tiến trình này, cơ hội, lợi thế cho nền kinh tế ở những nơi có lợi ích quốc gia ở nơi cốt yếu sẽ mất đi, hình thành những vùng ưu đãi, độc quyền.

Với vốn huy động của khu vực tư nhân, quan trọng nhất là làm sao để họ có niềm tin bỏ tiền đầu tư. Muốn vậy phải bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, nếu không người ta khó chấp nhận mang tiền đầu tư, mua cổ phần, góp vốn vào DN Nhà nước khi mà biết chắc số phận của các DN này không do họ quyết định.

Về bối cảnh cải cách còn chậm và năng suất lao động Việt Nam thấp, vấn đề WB đưa ra như một điều nhắc nhở để chúng ta phải đốc thúc, cân nhắc giữa các lợi thế phát triển với thực trạng của nền kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm