Việt Nam sử dụng bao nhiêu gỗ có nguồn gốc từ Campuchia, Lào?
(Dân trí) - Tỷ trọng các loại gỗ quý, bao gồm loại gỗ có tên trong các nhóm 1-2 trong bảng phân loại gỗ của Việt Nam được nhập khẩu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các loại gỗ có tên nằm trong các nhóm này có mức độ rủi ro lớn về tính hợp pháp của gỗ.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 5/2016. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ước đạt 1.013 triệu USD giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2015 tương ứng 263 triệu USD.
Trong đó, do lượng nhập khẩu giảm làm kim ngạch giảm 9,14% (tương ứng 102 triệu USD) và do giá nhập khẩu giảm 12,61% làm kim ngạch giảm 161 triệu USD.
Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục trở thành những thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ chính thứ 1 và 2 cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường có kim ngạch lớn thứ 3 trong 7 tháng năm 2016 là Campuchia; thị trường có kim ngạch lớn thứ 4 là Malaysia.
Riêng đối với thị trường Lào, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh trong những tháng qua, tới tháng 6/2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Lào chỉ còn 1,5 triệu USD, tính chung kim ngạch 6 tháng đầu năm 2016 đạt 74 triệu USD, bằng 1/3 cùng kỳ năm trước. Năm 2015, Lào và Campuchia là 2 thị trường cung cấp gỗ & sản phẩm gỗ chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giảm từ tháng 9/2015, do chính phủ Lào ban hành chính sách cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu chưa qua chế biến có hiệu lực từ tháng 8/2015. Các năm trước các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hơn 70 chủng loại gỗ khác nhau từ thị trường này. Giá nhập khẩu từ thị trường này tháng 7/2016 giảm thêm thêm 9,25% so với tháng trước và giảm 19,93% so với tháng 7/2015, giá các loại gỗ giảm là gỗ chò tròn, gỗ gõ tròn, gỗ giổi tròn, gỗ hương tròn, gỗ gõ xẻ... Một số loại gỗ vẫn có giá tăng là gỗ trắc tròn, gỗ giổi xẻ.
Các doanh nghiệp nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là gỗ xẻ, kim ngạch gỗ xẻ gấp hơn 20 lần kim ngạch gỗ tròn, đây là nguồn cung gỗ nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Lượng gỗ nhập khẩu từ thị trường này tăng để thay thế lượng gỗ tròn từ thị trường Myanmar do Chính phủ nước này thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn từ 1/4/2014.
Đối với loại gỗ tròn, Chính phủ Campuchia ban hành chính sách cấm xuất khẩu từ năm 1996 và vẫn còn hiệu lực đến nay. Tuy nhiên, các chính sách lâm nghiệp tại Campuchia nói chung bao gồm cả chính sách có liên quan đến xuất khẩu gỗ nguyên liệu nói riêng không nhất quán. Đây là nguyên nhân dẫn đến gỗ tròn của Campuchia tiếp tục được xuất khẩu sang các nước, bao gồm cả Việt Nam.
Một số loại gỗ tròn vẫn được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ Campuchia là gỗ căm xe, gỗ dầu, gỗ sến, gỗ bằng lăng, gỗ cà chít, gỗ tràm bông vàng. Các loại gỗ xẻ chính được nhập khẩu từ thị trường này là gỗ hương xẻ, gỗ cẩm xẻ, gỗ cẩm lai xẻ, gỗ lim xẻ, gỗ sến xẻ, gỗ cao su xẻ... Giá gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Campuchia quay đầu giảm 6,24% so với tháng trước và giảm 6,15% so với tháng 7/2015.
Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại gỗ quý, bao gồm loại gỗ có tên trong các nhóm 1-2 trong bảng phân loại gỗ của Việt Nam được nhập khẩu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam lớn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các loại gỗ có tên nằm trong các nhóm này có mức độ rủi ro lớn về tính hợp pháp của gỗ.
Cụ thể, một lượng lớn gỗ của Campuchia có nguồn gốc từ các cánh rừng chuyển đổi, và các dự án chuyển đổi rừng sang các diện tích đất trồng cây công nghiệp thường liên quan đến các vi phạm về quyền của cộng đồng. Điều này làm làm xuất hiện nhiều tranh cãi về tính hợp pháp của gỗ được khai thác từ các dự án này.
Bên cạnh đó, hầu hết các loài gỗ quý, có tên nằm trong nhóm 1-2 theo bảng phân loại của Việt Nam đều được khai thác từ các khu vực rừng cần được bảo vệ. Với lý do này, các rủi ro có liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là gỗ đối với các loại gỗ quý có tên trong nhóm 1-2 của Việt Nam là rất cao.
Các loại gỗ thuộc nhóm gỗ quý được nhập khẩu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng cho thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông và Ấn Độ. Các loại gỗ thuộc các nhóm phổ thông hơn được đem vào chế biến và sử dụng tại thị trường nội địa của Việt Nam.
"Đến nay vẫn còn một số câu hỏi chưa có câu trả lời: Tỉ trọng gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào được xuất khẩu đi các nước là bao nhiêu? Gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào có được đưa vào chuỗi cung để xuất khẩu sang các nước có độ nhạy cảm cao về môi trường như Mỹ, EU hay không? Thị trường nội địa sử dụng bao nhiêu gỗ có nguồn gốc từ Campuchia, Lào? Những vấn đề này cần được nghiên cứu, thống kê và đưa ra kết luận trong thời gian tới", Bộ Công Thương cho biết.
Phương Dung