Việt Nam phản đối Mỹ điều tra chống bán phá giá ống thép cuộn cacbon
(Dân trí) - Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của Việt Nam là không có cơ sở, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 26/11, phóng viên đã nêu câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống thép cuộn cacbon từ năm quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định các công ty Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế kinh tế thị trường, không nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam và không bán phá giá sản phẩm ống thép cuộn cacbon vào thị trường Hoa Kỳ”.
“Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này là không có cơ sở. Chúng tôi cho rằng, DOC cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này một cách khách quan, công bằng, trên tinh thần tự do hóa thương mại, phù hợp với các cam kết đa phương và quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, ông Bình nhấn mạnh.
Trước đó, theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 28/10, các doanh nghiệp của ngành ống thép cuộn carbon của Mỹ đã nộp đơn kiện chống bán phá giá tới Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đối với sản phẩm CWP của 5 quốc gia bao gồm Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan, Philippines và Việt Nam.
Nguyên đơn của vụ việc bao gồm công ty Bull Moose Tube Company, EXLTUBE, Wheatland Tube và Western Tube & Conduit.
Ngày 18/11, DOC đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon.
Cục Quản lý Cạnh tranh dẫn số liệu hải quan Hoa Kỳ cho hay, giá trị nhập khẩu ống thép hàn cacbon từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2014 là 60,6 triệu USD - mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra vào Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, biên độ phá giá cáo buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng cao nhất ở mức 113,18%, tiếp theo là Oman với 98,87% - 105,58%, UAE từ 47,06% - 54,27%, Philippines với 21,86% và thấp nhất là Pakistan với 11,8%.
Nam Hằng