Việt Nam “nhất” ASEAN về đòi hỏi nhiều giấy phép với lao động ngoại

(Dân trí) - Mất 3 tháng làm đủ các giấy tờ để được chấp nhận lao động tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam là nơi người lao động nước ngoài mất thời gian nhất và bị đòi hỏi nhiều loại giấy tờ lao động nhất ASEAN.

Trong một kiến nghị mới đây, liên quan đến bản dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng: Trong luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động nước ngoài là “tự nguyện”. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp các cơ quan hành chính hiểu nhầm thành người lao động nước ngoài phải có “nghĩa vụ tham gia”.

Lao động ngoại khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam
Lao động ngoại khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam

Trong Luật đã quy định là tự nguyện, Dự thảo Nghị định (văn bản dưới Luật) lại quy định đây là “nghĩa vụ” thì đương nhiên đã trái với Luật, JBAV cho rằng: Dự thảo Nghị định có giải thích mục đích là “người lao động nước ngoài đã ký hợp đồng lao động tại Việt Nam ….”. Tuy nhiên, điều này chưa được giải thích rõ có bao gồm người lao động nước ngoài được thuyên chuyển nội bộ từ công ty nước ngoài hay tổ chức nước ngoài hay không.

“Việc nhân viên thuyên chuyển nội bộ trong công ty, các lao động phải tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế… ở nước của họ. Giờ đây, người sử dụng lao động sẽ phải trả thêm phí không cần thiết cho chính lao động đó tại Việt Nam”, JBAV cho hay.

Đánh giá về thủ tục nhận lao động nước ngoài, Nhóm công tác nhân sự thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF ghi nhận Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cắt giảm thời gian xử lý hồ sơ xin cấp giấy phép lao động xuống còn 07 ngày làm việc.

Tuy nhiên, thời gian cần để chuẩn bị hồ sơ vẫn dao động từ 2 đến 3 tháng do thủ tục xin cấp và việc thu thập đầy đủ các giấy tờ theo yêu cầu của Việt Nam.

Thời gian chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động ở Việt Nam được đánh giá là lâu nhất trong khu vực ASEAN, trong khi đó cơ quan chức năng lại không cung cấp cho DN bất kỳ giải pháp nào giúp đẩy nhanh quá trình này.

Nguyễn Tuyền