Sau 1/1/2018: Hơn 80.000 lao động nước ngoài ở VN sẽ tham gia BHXH?

(Dân trí) - “Lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang tăng nhanh. Từ 12.602 lao động nước ngoài năm 2004, tới nay con số này đã gần 84.000 người. Hầu hết, người lao động đều có trình độ, tay nghề cao và được cấp phép lao động. Chính vì vậy, việc xây dựng quy định đóng BHXH cho nhóm này là điều cần thiết”.

Ông Trần Hải Nam, Vụ Phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và BHXH VN tổ chức ngày 23/5 tại Hải Phòng.


Ảnh internet

Ảnh internet

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo, đề xuất đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc. Dự kiến, 5 chế độ mà người lao động nước ngoài được hưởng khi tham gia BHXH là: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Dự thảo Nghị định quy định thời hạn có hiệu lực sẽ là ngày 1/1/2018.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết, việc xây dựng Nghị định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài tại VN rất cần thiết.

“Tuy nhiên, dự thảo Nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc, như: Việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế...”- ông Trần Đình Liệu băn khoăn.

Theo Điều 2 Luật BHXH năm 2014: Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Góp ý vào dự thảo, ông Hiroshi KaraShima - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN đề nghị, cần làm rõ đối tượng lao động được áp dụng của Nghị định? đối tượng được loại trừ tham gia BHXH bắt buộc?. Đồng thời, để thực hiện Nghị định thì VN cần có những hiệp định song phương về chính sách BHXH với các quốc gia khác để người lao động nước ngoài làm việc tại VN không phải đóng BHXH 2 lần ở cả 2 nước…

Trong khi đó, đặc thù công việc của nhiều lao động nước ngoài tại VN là thời gian làm việc ngắn, người lao động chỉ mong muốn được tham gia các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp. Mặt khác, sau khi hết hợp đồng người lao động phải về nước nên việc giải quyết chế độ BHXH có được kịp thời hay không? họ có được chọn đồng tiền theo mong muốn không? Chưa kể việc xây dựng dự thảo bằng bao nhiêu ngôn ngữ để người nước ngoài hiểu được?

Theo ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài Chính kế toán (BHXH VN), việc chi trả, ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ, giấy tờ bằng các ngôn ngữ khác nhau sẽ được quy định ra sao? cán bộ ngành BHXH cũng như các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng CNTT thông tin, liên thông dữ liệu với các nước?…

Đánh giá về điều kiện cần, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc thực hiện BHXH bắt buộc với người lao động nước ngoài là xu thế chung, đòi hỏi từ thực tế: “Tuy nhiên việc thực hiện sẽ không hề dễ dàng. Để thực hiện được, vẫn cần có những hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và nước sở tại của người lao động về các vấn đề quy đổi, thực hiện chính sách BHXH liên thông, tương đồng, bình đẳng…Đây là vấn đề tốn nhiều thời gian và công sức”.

Ông Phạm Minh Huân cũng lưu ý, nếu không làm được thì người lao động sẽ không mặn tuân thủ và việc thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Muốn rút lại hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp có được không?

Bà Lê Thị Mừng (Quảng Ninh) hỏi: Ngày 24/11/2017 tôi đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên tôi muốn rút hồ sơ về để lần sau hưởng có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 28/2018/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.

P.A

Mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp ra sao?

Bà Hoàng Thị Thùy (Kim Môn, Hải Dương hỏi: Tôi phải đáp ứng đủ những điều kiện gì để được hỗ trợ học nghề? Mức hỗ trợ học nghề và thời gian hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Q.A