“Điểm mặt” những dự án tầm cỡ mà TPHCM và 13 tỉnh ĐBSCL kêu gọi đầu tư

(Dân trí) - TPHCM và 13 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa công bố 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng; chú trọng phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản.

Ngoài vị trí “độc tôn” của TPHCM, 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đóng vai trò quan trọng khi đây là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hàng năm cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước.

Chợ nổi miền Tây
Chợ nổi miền Tây

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2015, ĐBSCL được đầu tư 6 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng vốn là 2.600 tỷ đồng; 7 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ với tổng vốn trên 18.000 tỷ đồng; 6 dự án sử dụng vốn ODA với tổng vốn trên 41.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ĐBSCL còn kêu gọi xã hội hóa và đã hoàn thành 3 dự án với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng; đang triển khai 7 dự án theo hình thức BOT với tổng vốn gần 23.000 tỷ đồng. Đến nay, ĐBSCL thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ĐBSCL đạt 8,7 tỷ USD (tăng 3,2% so cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt 5,9 tỷ USD (tăng 4,5% so cùng kỳ).

Năm 2016, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tập trung mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế biển. Hai tỉnh An Giang, Long An tiếp tục mời gọi đầu tư vào các khu thương mại – dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu. Quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Hậu Giang mời gọi đầu tư vào chợ nông sản chất lượng cao quy mô đến 100 ha và tỉnh Vĩnh Long mời gọi đầu tư vào Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh trên diện tích 1,1ha.

Lãnh đạo TPHCM tin rằng các nhà đầu tư, các doanh nhân có thể tìm kiếm được những cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh tại TPHCM và ĐBSCL sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể danh sách các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của TPHCM và vùng ĐBSCL như sau:

TPHCM có các dự án: Tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – bến xe Tây Ninh); Tuyến monorail số 2 (quốc lộ 50 – khu đô thị Bình Quới); Khu dịch vụ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật; Các dự án sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất và công nghiệp; Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản tại huyện Cần Giờ.

Tỉnh An Giang có các dự án: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khu thương mại – dịch vụ, vui chơi giải trí Tịnh Biên mở rộng; Khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh; Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Vàm Cống; Xây dựng cầu Thuận Giang.

Tỉnh Bạc Liêu có các dự án: Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại thị trấn Gành Hào; Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Chế biến muối và các sản phẩm từ muối; Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản; Nhà máy chế biến nông sản (hoa màu) gắn với đầu tư liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn.

Tỉnh Bến Tre có các dự án: Khu du lịch gắn với di tích căn cứ cách mạng Lạc Địa; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; Đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Giao Hòa; Đầu tư và kinh doanh hạ tầng trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Cà Mau có các dự án: Đầu tư cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; Nhà máy sửa chữa và đóng mới tàu, thuyền; Nhà máy sản xuất hóa chất, chế phẩm sinh học; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản; Nhà máy sản xuất ván nhân tạo MDF – HDF.

Thành phố Cần Thơ có các dự án: Khu nông nghiệp công nghệ cao 1; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ; Khu nông nghiệp công nghệ cao 3; Khu công nghệ thông tin tập trung; Khu du lịch Cồn Sơn.

Tỉnh Đồng Tháp có các dự án: Trung tâm hội nghị; Khu thương mại dịch vụ - nhà ở đường Lý Thường Kiệt nối dài; Khách sạn quốc tế 5 sao – thành phố Sa Đéc; Khách sạn quốc tế 5 sao – thành phố Cao Lãnh; Nhà máy chế biến trái cây và nước ép trái cây.

Tỉnh Hậu Giang có các dự án: Nhà máy bảo quản, chế biến cây ăn quả; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Du lịch sinh thái - khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng; Chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu; Chợ nông sản chất lượng cao.

Trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh Kiên Giang có các dự án: Đầu tư nuôi tôm công nghiệp; Nhà máy chế biến rơm (làm bột giấy); Nhà máy xay xát, lau bóng gạo; Nuôi tôm công nghiệp; Nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tỉnh Long An có các dự án: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Long An; Trục hạ tầng giao thông – đô thị kết nối với TP.HCM; Đường vành đai thành phố Tân An; Đường tỉnh 830 – đoạn từ cầu An Thạnh huyện Bến Lức đến thị trấn Đức Hòa; Vườn ươm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười.

Tỉnh Sóc Trăng có các dự án: Nhà máy chế biến sữa bò; Khu công nghiệp Trần Đề; Cao ốc kinh doanh tổng hợp trung tâm thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch sinh thái Hồ Bể; Cảng Đại Ngãi.

Tỉnh Tiền Giang có các dự án: Khu chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; Nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long; Trồng và phát triển lúa hữu cơ, chế biến gạo chất lượng cao; Mở rộng Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; Nhà máy chế biến súc sản xuất khẩu.

Tỉnh Trà Vinh có các dự án: Nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm; Xây dựng nhà máy chế biến trái cây; Nhà máy chế biến các sản phẩm từ đậu phộng; Nhà máy lắp ráp máy vi tính và thiết bị công nghệ thông tin; Xây dựng khu văn hóa - du lịch ao Bà Om.

Tỉnh Vĩnh Long có các dự án: Các dự án thứ cấp đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Minh và Khu công nghiệp Hòa Phú; Nhà máy tinh bột khoai lang; Nhà máy chế biến rau màu (khoai lang, đậu nành,…); Nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp; Trung tâm giao dịch hàng nông sản Bình Minh.

Công Quang