Việt Nam nên thí điểm điện gió ngoài khơi như thế nào?

Thanh Thương

(Dân trí) - Theo chuyên gia, Việt Nam cần sớm có nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó quy định cụ thể quy mô, địa điểm, thời gian, giá triển khai...

PVN có thể xin thí điểm ở vùng biển Bình Thuận

Chia sẻ bên lề tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi sáng 16/10 do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức, TS Dư Văn Toán - chuyên gia trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi - nêu một số ý kiến liên quan tới thí điểm điện gió ngoài khơi. 

Trước mắt, về thí điểm phát triển loại hình điện này, ông cho rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể xin thế chỗ Orsted (tập đoàn năng lượng từ Đan Mạch đã rút khỏi thị trường Việt Nam - PV) tại tỉnh Bình Thuận.

"PVN có thể xin thí điểm, khảo sát ngay tại dự án mà Orsted từng nghiên cứu với diện tích khoảng 1.000km2", ông Toán nói và cho rằng khi các tập đoàn Nhà nước được giao thí điểm có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài về cơ chế góp vốn, giá mua điện... Với những vùng có gió tốt như Bình Thuận, chắc chắn doanh nghiệp lớn, uy tín sẽ tham gia.

Việt Nam nên thí điểm điện gió ngoài khơi như thế nào? - 1

Theo chuyên gia, Quốc hội cần sớm ban hành nghị quyết thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi (Ảnh: The Guardian).

Để có thể thuận lợi phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với số vốn khoảng 1 tỷ USD trở lên, theo ông, sẽ vướng rất nhiều khó khăn... "Các dạng năng lượng đã có trong Quy hoạch điện 8 như điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi... cần có những quy định, điều khoản rõ ràng và cụ thể hơn trong Luật Điện lực sửa đổi", ông Toán nhìn nhận.

Theo ông, đối với điện gió ngoài khơi, mục tiêu đến năm 2050 cần có khoảng 100GW điện, đóng góp khoảng 1/3 tổng nguồn điện. Do đó cần có những quy định pháp lý cụ thể hơn để đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn - Trưởng ban thương mại Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - cho biết hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động được nhiều khâu trong phát triển điện gió ngoài khơi từ khảo sát, mua sắm, thi công lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi đến quản lý vận hành, tàu dịch vụ phục vụ dự án gần bờ... 

Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi

Về mô hình và cơ chế thí điểm điện gió ngoài khơi, tại tọa đàm, đại diện PTSC cho rằng Chính phủ cần quyết định phân kỳ các giai đoạn; lựa chọn nhà đầu tư; phân cấp thẩm quyền, thủ tục phê duyệt chủ trương các dự án; quyết định giao đồng bộ khu vực biển và giao đất, quyền sử dụng đất; thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước và xuất khẩu.

"Về chính sách ưu đãi, cần có chính sách khuyến khích như miễn giảm tiền sử dụng đất, khu vực biển; thuế thu nhập doanh nghiệp nhất là trong giai đoạn thí điểm ban đầu; ưu đãi vốn vay...", ông Tuấn đề xuất.

Việt Nam nên thí điểm điện gió ngoài khơi như thế nào? - 2

Doanh nghiệp Việt đã tham gia cung cấp dịch vụ cho nhiều dự án điện gió gần bờ như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm... (Ảnh: PTSC).

Ngoài ra, theo ông, cần có chính sách ưu tiên xuất khẩu điện gió ngoài khơi, bởi tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam rất lớn, nhu cầu trong nước đến năm 2030 là 6.000MW - rất nhỏ so với tiềm năng khoảng 600GW...

Đại diện Ban Điện và năng lượng tái tạo thuộc PVN cũng đề xuất giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty con (do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) thực hiện đầu tư dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, bao gồm dự án bán điện cho thị trường trong nước và xuất khẩu điện.

Trong đó, 3 yếu tố cần được đảm bảo là cơ chế tính giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí đầu tư và sản xuất; huy động sản lượng theo khả năng phát của nhà máy; cho phép hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Trong thông báo kết luận về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi ngày 1/10, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết thời gian từ nay đến 2030 không còn nhiều, do đó việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi, báo cáo trước ngày 5/10.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án Luật điện lực (sửa đổi).

Hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất trong dự án một Luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.